(HNMO) - Sáng 27-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Xác định trọng tâm xây dựng nông thôn mới
Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định; có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương nói trên. Đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế, cùng với những nguyên nhân được chỉ ra trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm về cơ chế tích hợp vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ thể của chương trình; cách thức tổ chức đánh giá công nhận nông thôn mới; huy động nguồn lực xã hội…
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) nêu quan điểm, cần tăng cường phát huy vai trò, sức mạnh của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. “Phải xác định người dân ở địa bàn nông thôn là trung tâm, là chủ thể để người dân đồng tình ủng hộ, đồng thời tích cực đóng góp sức lực, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới”, đại biểu nói.
Về đầu tư khoa học, công nghệ trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề xuất Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu khoa học, quy trình công nghệ tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài danh mục các công trình hạ tầng ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đề nghị quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn.
Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ đời sống, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khu vực nông thôn, góp phần duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện những mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị tỷ trọng nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều chỉnh tiêu chí phù hợp
Cho rằng cần tiếp tục mục tiêu xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn vẻ đẹp của nông thôn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
“Chúng ta chưa đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, ấp trong thời gian qua nên căn cứ thực tiễn chưa thực sự sát thực. Chính phủ nên chăng cần quy định tiêu chí khung, còn tiêu chí đặc thù thì giao lại cho UBND cấp tỉnh để tạo thống nhất chung trong toàn quốc”, đại biểu Mai Văn Hải nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường phân cấp có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện chương trình. Cần điều chỉnh các tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường, quy hoạch chung.
“Đặc biệt, cách tổ chức xây dựng nông thôn mới cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp thuần túy”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, chương trình cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Trong đó, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, cần chú trọng hơn những giá trị mới cần gắn kết được cơ cấu lại nền nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực để thực hiện nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông nghiệp là nền tảng để phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, cơ cấu lại nền nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 17 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, các ý kiến thảo luận đã bao quát toàn diện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến trực tiếp trước khi trình Quốc hội thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.