(HNM) - Bộ Chính trị đã nhận định:
Để xứng với vị trí đặc biệt quan trọng ấy, ngay sau ngày giải phóng, TP Hà Nội đã tăng cường quan hệ với các địa phương để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và chống Mỹ cứu nước. 60 năm qua, tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" trở thành biểu tượng của sự gắn kết, hợp tác, vì sự phát triển không riêng Thủ đô mà của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hương |
Cả nước hướng về Thủ đô
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Thực hiện lời dạy của Bác, cùng với việc đẩy mạnh thi đua sản xuất, khôi phục nền kinh tế, Hà Nội hết sức coi trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương, nhất là các địa phương có thể cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất để Hà Nội tận dụng hiệu quả thế mạnh có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật hàng đầu cùng với đội ngũ công nhân lành nghề của mình. Các địa phương khi đó là Lạng Sơn, đặc biệt là Lai Châu đã xây dựng mối quan hệ khăng khít với Hà Nội.
Cách Hà Nội 500km, thuộc vùng Tây Bắc phên giậu của Tổ quốc, từ năm 1967, Tỉnh ủy Lai Châu đã gửi tới Thành ủy Hà Nội bản nội dung phương hướng Hà Nội - Lai Châu kết nghĩa anh em giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - văn hóa. Từ đó, đến nay, mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ, hợp tác giữa Hà Nội và Lai Châu ngày càng được củng cố, phát triển. Với tiềm lực của Thủ đô, Hà Nội cũng dành sự quan tâm đặc biệt, chia sẻ, giúp đỡ tỉnh thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo.
Trước những việc làm của Thủ đô dành cho địa phương, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trân trọng tình cảm kết nghĩa giữa Hà Nội và Lai Châu. Đặc biệt, trong hơn 10 năm chia tách thành lập tỉnh (1-2004), cũng từng ấy thời gian Hà Nội đồng hành cùng Lai Châu trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Nhất là trong điều kiện địa phương còn tới 20% phòng học tranh tre, nứa lá, việc Hà Nội hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng trường dân tộc nội trú, mua quần áo, chăn ấm cho học sinh nghèo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên... là sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình. Không riêng Lai Châu, việc gì làm được cho các tỉnh, thành phố, Hà Nội đều cố gắng làm. Cùng với liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, Thủ đô luôn quan tâm, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho các tỉnh vùng xa, các tỉnh còn khó khăn. Cả nước nhìn về Hà Nội với niềm tự hào về một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh đang hiện hữu cùng với sự trân trọng trước từng việc làm, nghĩa cử của Hà Nội dành cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Liên kết, hợp tác, phát triển
Trong thời kỳ hội nhập, Hà Nội đã và đang thực hiện khá tốt vai trò trung tâm, kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành phố) nhằm phát huy vị trí là cửa ngõ ra vào Biển Đông và thế giới, một trong những cầu nối giữa hai khu vực phát triển năng động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Có 3 lĩnh vực Hà Nội đã hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Qua đó, không chỉ phát triển kinh tế mà còn mở rộng các hoạt động văn hóa - xã hội trong vùng.
Ngoài ra, với trách nhiệm "Hà Nội vì cả nước", thành phố coi trọng việc cử các đoàn công tác đi thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong cả nước. Ngay trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã dẫn đầu Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố thăm, làm việc với 8 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ. Trước đó, các đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố đã làm việc với các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên… Chưa kể, các hoạt động hợp tác với các thành phố trực thuộc TƯ, cũng như các hoạt động phối hợp mang tính đơn lẻ với từng địa phương. Tại các buổi làm việc, thế mạnh của Hà Nội và từng địa phương được phân tích làm rõ, trên cơ sở đó xác định cơ hội, khả năng liên kết, hợp tác.
Từ thực tiễn, các địa phương đánh giá rất cao vị thế và khẳng định, Hà Nội có sức lan tỏa, thu hút rất lớn đối với các vùng lãnh thổ. Với ưu thế đặc biệt của Thủ đô, các địa phương đều nhận thấy được khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác rất lớn với Hà Nội trong các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo; công nghiệp; thương mại; khoa học - công nghệ… Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Thủ đô đầu tư, đồng thời bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô cũng như nhu cầu của 7,2 triệu dân, chưa kể khoảng 2 triệu người đang học tập, lao động trên địa bàn Thủ đô (không có hộ khẩu thường trú). Từ những thế mạnh này, thời gian qua, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương được đẩy mạnh. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp của Hà Nội vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cũng chủ động cung cấp cho Hà Nội những sản phẩm thế mạnh, làm phong phú thêm thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Về phía Hà Nội, chính quyền, các ban, ngành thành phố rất tích cực trong việc giúp các tỉnh, thành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư tại Thủ đô; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ngành giáo dục, y tế; khai thác và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng du lịch…
Ngoài giao lưu, hợp tác, liên kết trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, với vai trò, vị trí Thủ đô, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, sự dõi theo, động viên của các tỉnh, thành phố trong cả nước, với mong muốn Thủ đô được xây dựng, phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đồng thời khẳng định vị thế Thủ đô chính là nơi kết nối tình đoàn kết và khát vọng vươn lên vì một đất nước Việt Nam cường thịnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang: Ba lĩnh vực Hà Nội - Tiền Giang tăng cường hợp tác Chúng ta thấy rõ có nhiều lĩnh vực mà Hà Nội và Tiền Giang có thể đẩy mạnh sự hợp tác hơn nữa, đặc biệt là lĩnh vực thương mại. Trong khi Tiền Giang rất có thế mạnh về nông sản hàng hóa, còn Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Bắc lại là thị trường rộng lớn, chẳng cớ gì không tăng cường hợp tác để giảm bớt các sản phẩm phải nhập khẩu. Lĩnh vực thứ hai chúng ta có thể hợp tác là xúc tiến du lịch. Ngoài ra, việc Hà Nội tập trung đầu tư lớn cho nông nghiệp, nông thôn và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới có thể coi là mô hình mẫu để chúng tôi học tập, áp dụng kinh nghiệm ở địa phương mình. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh: Luôn tự hào về Thủ đô của chúng ta Dù cách xa về địa lý, nhưng chúng tôi luôn dõi theo và tự hào vì Thủ đô của chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc. Những công trình giao thông, khu trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại cao cấp xuất hiện ngày một nhiều. Song, chúng tôi cũng rất mừng là bên cạnh những nét hiện đại, văn minh, Hà Nội vẫn giữ được nét cổ kính của Thủ đô xưa. Con người Hà Nội vẫn đang gìn giữ phát huy nét thanh lịch, văn minh. Quan trọng hơn, Thủ đô luôn đi đầu trong nhiều phong trào mà các địa phương có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm... Đó là những điều chúng tôi luôn tự hào và phấn đấu thực hiện theo gương Hà Nội. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn: Hướng tới quan hệ hợp tác thiết thực Ấn tượng của chúng tôi đối với Hà Nội là sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị cũng như giải quyết khá thành công những vấn đề bức xúc hiện nay. Những năm vừa qua, nhất là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu rõ Hà Nội thông qua các sự kiện lớn. Và nay, kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, cả nước lại cùng hướng về Hà Nội với mong muốn để làm sao xây dựng quan hệ hợp tác thiết thực, thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố đối với Hà Nội, cùng phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình: Ước muốn Thủ đô xanh, đẹp hơn Tôi đến Hà Nội nhiều lần, nhất là từ khi được nhân dân tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội. Chứng kiến những chặng đường phát triển của Hà Nội, tôi cảm nhận được sự thay đổi rất lớn. Hà Nội của chúng ta có những dáng dấp của một Thủ đô hiện đại so với một số nước phát triển xung quanh. Đặc biệt, khi Quốc hội thông qua và Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành thì Hà Nội càng có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều tôi ước muốn là Hà Nội của chúng ta phát huy tốt danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" và ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, thu hút hơn. Lê Hoànghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.