Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn đào tạo với thị trường lao động

Minh Bắc| 12/07/2014 09:03

(HNMO) - Hai con số đáng quan tâm trong bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam vừa được công bố vào đầu tháng 7/2014. Đó là, 162,4 nghìn người học vấn từ đại học trở lên và 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp...

Làm nghề giỏi, có thu nhập ổn định cũng là một định hướng phù hợp cho học sinh không có khả năng thi đỗ đại học, cao đẳng... (ảnh minh họa)


Nhìn hai con số đó chúng ta không khỏi đắn đo khi mùa tuyển sinh đào tạo cho năm học mới đang bắt đầu. Bởi lẽ, đó là sự lo lắng tới việc làm cho con, em mình sau khi ra trường. Hàng năm các địa phương thường có báo cáo khá rõ số học sinh dự thi đại học, trúng, trượt đại học… vào các trường nghề và số cử nhân, đại học chưa có việc làm. Dựa trên số liệu của báo cáo đó có thể thấy tỷ lệ học sinh vào các trường dạy nghề chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Ví dụ, có tỉnh hàng năm số học sinh tốt nghiệp lớp 12 vào khoảng 10.000-11.000 người thì khoảng 7.000 học sinh vào đại học, cao đẳng trong khi chỉ có 700 học sinh tìm tới các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nếu nhìn vào tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo như vậy vào lúc này thì số liệu cập nhật từ bản tin quý II/2014 không lạ, nhóm lao động khó tìm việc làm, thất nghiệp nhiều thuộc về nhóm học đại học, trên đại học với 162,4 nghìn người còn nhóm học cao đẳng bị thất nghiệp là 79,1 nghìn người. Số thanh niên nằm trong độ tuổi 15-24 thất nghiệp khoảng 504,7 nghìn tăng 54,4 nghìn người so với quý IV/2013. Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 3,4%, cao gấp 1,2 lần so với cả nước; của nhóm ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản là 4,7%, của nhóm lao động gia đình là 4,1% ...

Thông thường để đo lường thị trường lao động, người ta dùng các tham số như số người thất nghiệp, số việc làm, cung cầu lao động, chất lượng lao động, cơ cấu nguồn cung lao động... Đặc biệt là con số thừa, thiếu lao động (cung- cầu lao động) trong từng ngành nghề, từng địa phương vì điều này liên quan tới lĩnh vực đào tạo, quy hoạch phát triển kinh tế... Hiện nhiều địa phương, ngành nghề vẫn chưa thực hiện những cuộc khảo sát cụ thể khoa học để đo lường chính xác con số này.

Lý giải tại sao người học đại học, cao đẳng lại thất nghiệp nhiều, một số ý kiến cho rằng là do chính sách đào tạo của chúng ta đang có vấn đề. Đó là đào tạo theo chỉ tiêu được tuyển sinh của từng trường chứ chưa phải đào tạo theo nhu cầu xã hội, chưa tạo ra cơ chế để nhà trường nắm bắt nhu cầu của xã hội, chưa có cơ chế điều tiết giữa nhu cầu và các cơ sở đào tạo sao cho phù hợp. Thêm vào đó, chất lượng đào tạo của đại học Việt Nam còn yếu nên sau khi ra trường càng khó tìm việc. Còn những trường có sản phẩm đầu ra tốt đều dễ dàng tìm việc hơn.

Ngoài ra chúng ta còn nặng về tâm lý phải có bằng đại học, học để lấy bằng chứ không phải để làm việc... Chính sách sử dụng lao động, tiền lương thưởng đang quá coi trọng bằng cấp chứ không trọng hiệu quả làm việc đều có tác động xấu tới cơ cấu nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo đại học lo lắng thu hút học sinh, nhằm tăng khoản thu chứ không phải định hướng cho học sinh học ngành nào để có việc làm ngay chứ không quan tâm nhiều đến sản phẩm đầu ra của họ bởi dù bị ế ẩm vẫn không làm họ bị phá sản ngay như các doanh nghiệp khác.

Để giải quyết các vấn đề này, rất cần sự hợp tác đồng bộ chặt chẽ giữa các ngành lao động, giáo dục đào tạo và các địa phương đồng thời có lộ trình thực hiện chế độ chính sách lương phù hợp để khuyến khích hiệu quả công việc. Về phía người lao động cũng cần gạt bỏ tâm lý cứ học đại học rồi muốn làm việc gì thì làm, coi việc học là việc suốt đời để tránh tình trạng thợ không ra thợ, thầy không ra thầy. Nhất là trong mùa tuyển sinh đào tạo, họ cần có những định hướng việc làm cụ thể phù hợp với năng lực của mình, từng bước gắn thị trường lao động với công việc đào tạo.

Được biết, Bản tin cập nhật thị trường lao động của Bộ lao động TB&XH, Tổng cục thống kê với sự trợ giúp của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đã ra hàng quý kể từ năm 2014. Bản tin sẽ cung cấp các số liệu về cung, cầu lao động, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tham số khác liên quan đến thị trường lao động Việt Nam. Cho nên cũng có thể coi đây là nguồn dự liệu tham khảo giúp các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách trong việc đề xuất các giải pháp, điều chỉnh chính sách cho từng giai đoạn phát triển của từng ngành, từng địa phương theo thực tế. Ngay cả việc đề xuất tinh giảm biên chế công, viên chức, tăng độ tuổi nghỉ hưu đều liên quan đến các số liệu này.

Tuy các cơ sở đào tạo cũng như người lao động rất khó dự đoán chuẩn trong khoảng 2-5 năm tới, nền kinh tế cần chất lượng người lao động như thế nào, học vấn ra làm sao, cần bao nhiêu người cho từng ngành, nghề nhưng các số liệu này cũng có thể phần nào giúp cho họ định hướng nghề nghiệp, định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong kỳ hạn ngắn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn đào tạo với thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.