Từ đầu năm 2020 đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận dông, lốc, mưa lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là những thông tin được báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống thiên tai 6 tháng đầu năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 6-7.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (54.793ha thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; 16.956ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 36.643ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 7.955 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng.
Trong các loại hình thiên tai, dông, lốc, mưa đá xảy ra liên tiếp, trên diện rộng tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và một số nơi chưa từng xảy ra như thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, công tác phòng chống thiên tai hiện nay thực sự chưa được bài bản, nguy cơ rủi ro thiên tai còn rất là lớn, thiệt hại về người và tài sản còn cao. Công tác đôn đốc, hướng dẫn việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai của các bộ, ngành, địa phương còn chậm.
Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm còn chưa đạt mục tiêu đề ra như: Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050; Đề án 1002; Dự án xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia.
Trên cơ sở đó, Tổng cục đề nghị lãnh đạo bộ quan tâm chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia cũng như bố trí nguồn vốn trung hạn để nâng cấp các vị trí đê điều xung yếu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có nhận định trong năm xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, có khoảng 5-6 cơn đổ bộ vào đất liền, bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía Nam là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng chống bão hạn chế; mưa lũ đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, đang có nguy cơ gây mưa lũ lớn tại nước ta.
Vì vậy, ông Hiệp yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án.
Cụ thể là: Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia; Nghị quyết về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Đề án 1002); xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050; Phối hợp xây dựng Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.