Ngày 27/5, khoảng 395.000 người lao động Pháp đã tiến hành các cuộc biểu tình, đình công trên phạm vi toàn quốc đòi bảo vệ việc làm và phản đối kế hoạch của chính phủ tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Ngày 27/5, khoảng 395.000 người lao động Pháp đã tiến hành các cuộc biểu tình, đình công trên phạm vi toàn quốc đòi bảo vệ việc làm và phản đối kế hoạch của chính phủ tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Tổng Thư ký CFDT François Chérèque (thứ 2 bên trái) cùng với người lao động Pháp biểu tình phản đối kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu của chính phủ. (Nguồn: Getty Images)
Các cuộc biểu tình, do năm tổ chức công đoàn lớn ở Pháp phát động, diễn ra rầm rộ nhất ở thủ đô Paris và một số thành phố lớn như Marseille, Bordeaux và Lyon.
Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm việc làm và nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động từ 60 hiện nay lên 61 hoặc 62 tuổi.
Thư ký toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Marie-George Buffet cũng tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô Paris.
Các cuộc biểu tình, đình công của người lao động đã khiến nhiều chuyến bay bị hoãn, nhiều trường học phải đóng cửa và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông công cộng trên toàn quốc.
Lãnh đạo các tổ chức công đoàn Pháp cho biết ngày hành động 27/5 có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng sức ép thuyết phục chính phủ từ bỏ kế hoạch đang gây nhiều tranh cãi nói trên.
Tổng Thư ký Liên hiệp công đoàn dân chủ lao động Pháp (CFDT), tổ chức công đoàn lớn thứ hai ở Pháp, François Chérèque cho biết các công đoàn Pháp có kế hoạch sẽ tổ chức các cuộc biểu tình tiếp theo vào tháng Sáu và tháng Chín tới.
Chính quyền Pháp đã đề xuất kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu đúng vào lúc bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở châu Âu. Tổng thống Nicolas Sarkozy coi đó là "nhiệm vụ ưu tiên" trong nửa cuối nhiệm kỳ của ông.
Những biện pháp này được đưa ra khi Pháp đang đứng trước nguy cơ bị thâm hụt lớn trong ngân sách dành cho chi phí xã hội và trong bối cảnh một số nước Liên minh châu Âu, trước hết là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... phải thông qua các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đối phó với khủng hoảng tài chính và thâm hụt ngân sách quốc gia khổng lồ.
Các tổ chức công đoàn Pháp cho rằng để thực hiện các mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế, chính quyền của Tổng thống Sarkozy đã không đưa ra những kế hoạch hợp lý, đặc biệt các chính sách liên quan đến việc làm, lương, sức mua cũng như điều kiện làm việc của người lao động, gây nên những phản ứng và tranh cãi lớn trong xã hội.
Phát biểu trên Đài truyền hình France-2, Tổng Thư ký CFDT nhấn mạnh rằng "tăng tuổi nghỉ hưu là một biện pháp rất vô lý" và "thuần túy logic về mặt tài chính"./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.