Nghe những lời chào mời hấp dẫn từ phía Công ty An Khang, hàng trăm người đã phải khổ sở suốt 5 năm qua vì toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình bị
Năm 2008 Công ty địa ốc An Khang lập dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan rộng 43 ha, với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng nằm tại phường 11, TP Vũng Tàu. Hai năm sau, trong khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp tại khu vực dự án, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như giấy phép xây dựng nhưng công ty này đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng "góp vốn", thực chất là để bán nền.
Dự án Metropolitan bị bỏ hoang thành nơi chăn thả bò của người dân. Ảnh: Phước Tuấn |
Là một trong những người đầu tiên mua đất dự án, ông Lê Ngọc Tấn (ở phường 2, TP Vũng Tàu) cho biết, trong một lần cà phê, ông nhận được tờ rơi thông tin hấp dẫn về dự án, với mỗi lô chỉ khoảng một tỷ đồng. Khi chạy trên đường, ông cũng bắt gặp những tấm panô lớn giới thiệu siêu dự án với nhà cao tầng chọc trời, hiện đại càng khiến ông tò mò.
"Tới tìm hiểu, nhân viên họ chào mời rất hấp dẫn, nào đây là khu đô thị cao cấp, bên trong có trung tâm thương mại, siêu thị, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, bến tàu cánh ngầm, sân bay, bãi sau... Tôi rất hào hứng khi nghĩ về một nơi ở sang trọng đầy đủ dịch vụ cao cấp mà gia đình tận hưởng sau này", ông Tấn kể.
Cơ sở để ông Tấn và hàng trăm khách hàng tin tưởng vào siêu dự án đó là chủ đầu tư trình ra quyết định được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Metropolitan tỷ lệ 1/500, với quy mô 43 ha. Ngoài ra, tháng 1/2011, dự án được khởi công linh đình với sự tham gia của nhiều lãnh đạo địa phương.
Sau khi tìm hiểu kỹ, ông Tấn bắt đầu gom góp hết số tiền dành dụm cộng với mượn thêm người thân mua lô đất hơn một tỷ. Nghĩ là dự án lớn có uy tín, ông rủ thêm hai người em gái cùng mua hai lô bên cạnh. Thời hạn trả góp 6 tháng một lần, từ năm 2011, ông Tấn đưa cho chủ đầu tư 90% số tiền, với thỏa thuận 2 năm sau sẽ được cấp đất có sổ đỏ riêng. Đến kỳ, ông phải chạy vạy để đủ tiền đóng cho công ty. Tuy nhiên đến hẹn giao đất, chủ đầu tư thoái thác, khất nhiều lần với lý do dự án chậm tiến độ.
"Tôi sốt ruột nên cứ chạy ra khu đất dự án xem họ làm đến đâu rồi nhưng chẳng thấy động tĩnh gì. Tôi nhiều lần đến công ty hỏi, họ cứ bảo chờ vì dự án chậm tiến độ. Sau khi một số lãnh đạo công ty bị bắt thì tôi mới vỡ lở. Tôi mất tiền đã đành nhưng buồn hơn khi hai người em gái cũng dính bẫy theo, không biết khi nào mới lấy lại, nợ nần thì chồng chất", ông Tấn buồn rầu.
Khác với ông Tấn, ông Huỳnh Văn Lung (phường 11, TP Vũng Tàu) có 2ha đất rẫy trồng nhãn trong khu dự án. Khi nghe Công ty An Khang hỏi mua, ông quyết định bán toàn bộ đất được gần 10 tỷ đồng để kiếm chút vốn làm ăn. Do công ty còn nợ tiền mua nên ông Lung quyết định cấn qua mua 2 lô đất trong dự án cho con trai với giá 2,2 tỷ đồng.
"Giờ tiền thì không lấy được, đất thì cũng chẳng có để xây nhà cho con khiến gia đình tôi tiến thoái lưỡng nan, chẳng biết phải làm gì", ông Lung nói.
Theo người nông dân này, dự án Metropolitan được xây dựng trên đất nông nghiệp nên ban đầu ông và nhiều người cũng hết sức lo lắng. Nhưng sau khi lễ khởi công hoành tráng, cộng với việc chủ đầu tư luôn cầm "lá bùa" phê duyệt quy hoạch của thành phố để hứa hẹn, bảo đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên họ mới đổ tiền vào mua.
"Tại văn phòng luôn có các mô hình, bản vẽ rất chi tiết đẹp mắt, nhà mẫu cũng đã được xây nên chúng tôi luôn đặt niềm tin vào dự án trong tương lai. Nhưng chờ hoài khu đất vẫn không thấy xây dựng gì, bỏ hoang đến nay", ông Lung thở dài.
Cùng chồng là cán bộ nhà nước về hưu, sau khi dự án động thổ, bà Mai Thị Xuyến (ngụ phường 11, TP Vũng Tàu) được người cháu giới thiệu để mua lô đất với giá hơn một tỷ đồng. "Giờ đây chúng tôi chỉ mong muốn chủ đầu tư sớm trả tiền lại, đó là gia tài mà vợ chồng tôi dành dụm cả đời để mua đất xây nhà cho con trai", bà Xuyến nói và cho rằng vì khoản tiền lớn chôn vào dự án mà nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất hạnh phúc.
Khi nhận đơn tố cáo của hàng trăm nạn nhân, tháng 2/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Công ty An Khang để điều tra liên quan đến Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến sai phạm trong dự án, hai cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường TP Vũng Tàu cũng bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi được tại ngoại vào cuối năm 2015, bà Ngô Thị Minh Phượng - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc An Khang có thư gửi đến những khách hàng đã góp vốn cho rằng công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể khởi công trở lại trong tháng 7. "Chúng tôi mong ông bà hết sức thông cảm và chia sẻ vì mọi thủ tục hành chính nhà nước với doanh nghiệp hiện nay hết sức nan giải. Công ty sẽ thông tin sớm nhất khi dự án được triển khai trở lại", trong lá thư nêu rõ.
Theo cơ quan điều tra, từ cuối năm 2010 đến tháng 6/2013, Công ty An Khang ký hợp đồng với gần 300 người, thu hơn 400 tỷ đồng. Trong số những đất nền đã bán có 36 nền chồng lấn đất công và 10 nền chồng lấn đất các hộ dân đang sử dụng hợp pháp. Tiền thu từ khách hàng, lãnh đạo công ty này chỉ bỏ 25 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án và hoạt động thường xuyên của công ty còn lại sử dụng với mục đích cá nhân.
Mở rộng điều tra những sai phạm của dự án, ngày 3/7, Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Hòa Bình (57 tuổi, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch TP Vũng Tàu), ông Trương Văn Trí (52 tuổi, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, nguyên Phó chủ tịch TP Vũng Tàu), ông Nguyễn Thanh Sơn (51 tuổi, Chủ tịch UBND phường 9, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu) về hành vi Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.