Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.
Sinh viên tốt nghiệp đang xin việc làm. |
Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không có bằng cấp chỉ khoảng 2%.
Cùng với đó là gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học, tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi, nhưng hầu hết đều đang thất nghiệp.
Còn theo một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Kiến thức, kỹ năng mà chúng ta đang đào tạo trong các cơ sở hiện nay vẫn còn khoảng cách khá là lớn so với kiến thức, kỹ năng mà người sử dụng lao động đang đòi hỏi.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là các hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, với các cơ quan quản lý thị trường lao động, để làm sao thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong nhà trường, với kiến thức kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.
Các đối tác phát triển và các doanh nghiệp có khuyên là có lẽ chúng ta cũng nên xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng ngành, xem từng ngành thì khi sử dụng lao động tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng rồi thái độ ứng xử và ý thức kỷ luật cần phải như thế nào.
Như thế thì các chương trình đào tạo của chúng ta thiết kế để làm sao phù hợp để có thể lấp đầy tất cả các yêu cầu mà người sử dụng lao động đòi hỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.