(HNMO) - Sáng 9-7, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt TP học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị Phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết và các kết luận Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI) có ý nghĩa sâu sắc, bởi đây là những nội dung, vấn đề hệ trọng gắn liền với tiến trình xây dựng đất nước. Diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 7 đến 15-5-2012), Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI) đã thảo luận cho ý kiến về Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí. Hội nghị lần thứ năm, BCH TƯ cũng thảo luận, cho ý kiến về việc thực hiện một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với những định hướng cải cách đến năm 2020. Với tầm quan trọng đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu, học tập nghiêm túc các nội dung của Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng (khóa XI). Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức cơ sở Đảng thống nhất cao về nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 (khóa XI).
Trong buổi sáng, hội nghị đã nghe PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TƯ giới thiệu nội dung các kết luận: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Theo đó, việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, công phu. Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta trong thời kỳ mới. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới ở nước ta. Qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp không còn phù hợp; đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập trung vào 9 vấn đề. Thể chế hóa, cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Chủ động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết và các kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) Để Nghị quyết và các kết luận của Hội nghị TƯ 5 (khóa XI) đi vào cuộc sống, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, chỉ đạo thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung của Nghị quyết và các kết luận Hội nghị TƯ 5 cần được tiến hành nghiêm túc. Các cấp ủy Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ quá trình triển khai nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các kết luận trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức học tập Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, coi trọng việc thảo luận, đối thoại và liên hệ với thực tiễn. Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện: đội ngũ báo cáo viên, nội dung, công tác tổ chức phục vụ để việc học tập, quán triệt Nghị quyết và các kết luận thu được kết quả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.