Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gameshow trên truyền hình: Chỉ để giải trí?

An Nhi| 03/12/2011 07:47

(HNM) - Một vài năm gần đây, các gameshow mua bản quyền nước ngoài "chạy" trên sóng truyền hình ở Việt Nam ngày càng nhiều. Nhưng dường như các chương trình chỉ hứng khởi được thời gian đầu, về sau dần kém hấp dẫn và đưa khán giả vào những cuộc đua ngoài tính chất giải trí. Tiêu biểu như hai show đang chiếm giờ "vàng" tối chủ nhật trên VTV3: "Vietnam's next top model" và "Cặp đôi hoàn hảo"…

Màn biểu diễn của cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng - Kim Thư.

Ít hoàn hảo

Chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" mới mùa đầu nhưng khán giả vẫn có cảm giác quen quen. Bởi nó giống "người chị em" "Bước nhảy hoàn vũ" ở sự gặp gỡ với những người nổi tiếng, để xem "sở đoản" của họ thế nào. Chỉ khác là một cuộc thi hát, một cuộc thi nhảy. Mà những người nổi tiếng của hai cuộc thi trùng hơi nhiều, nên khán giả càng "soi" hơn. "Cặp đôi hoàn hảo" sắp đi đến đêm chung kết (tối 4-12) và "cơn sóng" dư luận về sự không "hoàn hảo" của chương trình đã lớn dần. Nguyên do là bởi 7 đêm tường thuật trực tiếp mà khán giả cảm giác mình đang xem một "màn kịch" được sắp đặt sẵn. Hàng loạt "chứng cứ" về việc loại đôi nào, cách nhận xét, cho điểm của giám khảo, một số câu nói "hớ" của MC, những clip chia tay dựng sẵn… làm cuộc chơi kém hồi hộp. "Sóng" phản đối giám khảo a dua, bênh chằm chặp đôi hát dở; "sóng" phản đối ban tổ chức không công bố số lượng tin nhắn của khán giả cho cặp đôi yêu thích… dâng tràn. Và kết quả cặp đôi nào hoàn hảo không còn quan trọng với khán giả.

Điểm yếu của "Vietnam's next top model" là không phát sóng trực tiếp do tính chất của cuộc thi đòi hỏi phải ghi hình thử thách thí sinh ở nhiều nơi. Thế là chẳng được như phiên bản nước ngoài, top 3 vào chung kết đã bị lộ trong khi chương trình mới phát đến vòng 9/14. Ban tổ chức đổ tại thí sinh, rồi "phạt" họ. Nhưng ekip thực hiện vài chục người liệu có chắc họ bảo mật? Các thí sinh bị loại có đi Singapore, Hong Kong đâu mà có hình đăng top 3, top 4 lên mạng? Lại thêm một show nháo nhào, lại khiến khán giả thất vọng và không muốn theo dõi nữa.

Ít nghĩ đến khán giả

Hầu hết khán giả truyền hình Việt Nam đều rất nhiệt tình và dễ tính. Họ hưởng ứng các gameshow và thường coi đó là phương tiện giải trí tốt sau một ngày hay một tuần làm việc vất vả. Nhưng dường như các nhà tổ chức ít quan tâm đến họ. Hai gameshow trên gần như cùng tính chất, được phát sóng dồn vào tối chủ nhật hằng tuần. "Cặp đôi hoàn hảo" phát trực tiếp đẩy xuống thi muộn nhường giờ cho "Vietnam's next top model". Không ít khán giả chẳng thể thức đến 12h đêm, đành bỏ xem. Nhìn bên ngoài, rõ ràng cả khán giả và nhà tổ chức đều thiệt.

Lại thêm sau những đợt "sóng" dư luận, hết người chơi, giám khảo đến các nhà tổ chức lên tiếng thanh minh, đôi co về những khiếm khuyết rõ ràng không đáng có trong một chương trình giải trí. Thay vì khen ngợi "gu" biểu diễn nghệ thuật của người chơi, tâm đắc với nhận định của giám khảo để có điều chỉnh kiến thức về thưởng thức nghệ thuật, mỹ quan của mình thì giờ đây khán giả bỗng dưng vào cuộc đua, nổ ra tranh cãi về người này hợp lý, người kia chưa được… trên các diễn đàn. Thực ra, những gameshow này vẫn là những cuộc thi, có kẻ thắng, người thua, sự đối xử không công bằng trong thi cử rất dễ gây phản ứng. Theo dõi trên truyền hình còn thấy hồ nghi, huống gì những điều không nhìn thấy. Ví như cuộc đua bình chọn thí sinh yêu thích nhất. Show nào cũng mời gọi khán giả nhắn tin không hạn chế số lượng nhưng đều không hề công khai biểu đồ tin nhắn để bảo đảm tính trung thực.

Đã là chương trình giải trí trên truyền hình thì lẽ ra nên đặt sự thoải mái của khán giả lên hàng đầu. Muốn thế, ngoài sức hấp dẫn từ khâu sáng tạo (đã có từ chương trình mua bản quyền), mỗi gameshow cần có sự minh bạch, phù hợp với thị hiếu và có tính thẩm mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gameshow trên truyền hình: Chỉ để giải trí?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.