(HNM) - Người ta vẫn dùng cụm từ này để chỉ những hội hè của cộng đồng. Dạo bước vào giải bóng bàn Đạm Phú Mỹ lần thứ VI đang diễn ra tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức năm nay, tôi và nhiều bạn bè bất ngờ vì quy mô của một sân chơi, vì chất lượng của những cuộc so vợt và điều cốt yếu là không khí bóng bàn phong trào dường như đã thực sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng.
|
Một trận đấu tại giải. Ảnh: Văn Chiến |
Hiện tại, bóng bàn Việt Nam nói chung và bóng bàn Hà Nội nói riêng luôn thiếu những sân chơi bổ ích kiểu này. Thế nên gọi đây là "Gala bóng bàn" cũng không sai. Tại đây, có thể thấy thật nhiều gương mặt đại diện cho các thế hệ bóng bàn, từ lớp già cho tới lứa trẻ, thôi thì đủ cả. Rất hào hứng khi chứng kiến sự xuất hiện của những lão tướng tuổi đã trên 70 như Lê Thấu, Nguyễn Văn Hương, rồi những tay vợt kỳ cựu như Quang Đẩu, Quốc Đô, Đào Quang Bính, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Thanh Áng và mấy gương mặt quen biết từng lăn lộn trên nhiều "sới" bóng Thủ đô như Nguyễn Thị Mai, Tuấn "sẹo"… Họ vẫn đến với bóng bàn bằng nhiệt tình và niềm đam mê như thuở nào. Tôi thấy Nguyễn Thị Mai là thành viên đội tuyển Việt Nam giành HCV đồng đội nữ tại SEA Games 1991, cùng với Trần Thu Hà, Nhan Vị Quân và danh thủ Hà Nội Nguyễn Bích Ngọc, nay đã ngoài 50 song đường bóng vẫn vững vàng và tinh quái. Bên cạnh bàn bóng là hàng loạt cao thủ một thời của bóng bàn Việt Nam như Hoàng Tôn Kính, Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Đình Phiên, Đặng Thành… Tại giải này tôi đã thấy những trận đấu tuy phong trào song có thể xem là đỉnh cao với những pha đối giật có chất lượng, đặc biệt là những trận đấu rất hào hứng của các tay vợt phong trào có lối đánh từng mang tên ngộ nghĩnh là "phủi". Những vận động viên trẻ chớ xem thường họ, bởi ẩn chứa bên trong lối đánh này là nhiều điều thú vị, có thể học hỏi.
Hà Nội bắt đầu rét đậm, nhưng Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức lại ấm áp và bùng nổ tiếng hò reo cổ vũ. Rõ ràng, phong trào bóng bàn ở Thủ đô ta không "chết", trái lại đang sống khỏe và tràn đầy hưng phấn. Vẫn biết "phong trào mạnh thì đội tuyển sẽ mạnh", chả thế mà hơn mười năm trước, đúng lúc bóng bàn Hà Nội có một chân đế vững vàng và rộng rãi, các tay vợt Thủ đô giành đến 7/7 ngôi đầu tại giải vô địch quốc gia. Vì thế, câu hỏi rất bức xúc của nhiều người hâm mộ là tại sao Hà Nội không nhanh chóng có một Liên đoàn bóng bàn để nắm bắt và tổ chức mọi hoạt động của một bộ phận rất đông đảo người chơi bóng bàn của Thủ đô. Đấy sẽ là chỗ dựa vững chắc để đưa bóng bàn Hà Nội nhanh chóng trở lại vị thế như ngày nào!
* Trong ngày thi đấu thứ tư của giải, đã diễn ra các trận đấu đơn nam nội dung A2. Bất ngờ nhất là việc ứng cử viên vô địch Trần Anh Tuấn (PVV) thất bại 2-3 ngay từ vòng 1 trước Trung Kiên (T&T). Tối 22-12, các trận đấu tứ kết nội dung đơn nam A2 đã được tổ chức và đã xác định được các VĐV vào bán kết gồm Khánh Hưng (An Thuận Phát), Ngọc Minh (PVV), Hồng Khánh (T&T), Mạnh Hùng (Thời báo kinh doanh). Các cặp đấu bán kết đơn nam A2 vào sáng 23-12 sẽ là Khánh Hưng - Hồng Khánh, Ngọc Minh - Mạnh Hùng.
Các nội dung đơn và đôi nam lãnh đạo quốc doanh, đơn nam lãnh đạo quốc doanh, lão tướng trên 61 tuổi cũng đã diễn ra đầy gay cấn. Nội dung đôi nam lãnh đạo quốc doanh, Báo Hànộimới đã chắc chắn có huy chương khi cặp Quang Phán - Ngọc Hải giành quyền vào bán kết. Ở vòng bảng, cặp Quang Phán - Ngọc Hải đứng nhất bảng và thắng cặp Quốc Hồng - Thanh Hà 3-1 ở tứ kết. Sáng 23-12, các trận bán kết và chung kết đôi nam lãnh đạo quốc doanh sẽ diễn ra.
Nội dung đơn nam lãnh đạo quốc doanh, hai cái tên vào chung kết là Hà Huy Tuấn (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) - Nguyễn Quốc Hồng (Nhà xuất bản Giáo dục). Đây là cuộc tái ngộ của cặp VĐV mới vào chung kết Giải bóng bàn Báo Hànộimới 2012. Còn cặp VĐV vào chung kết đơn nam lãnh đạo ngoài quốc doanh là Nguyễn Thành Chung (Công ty Thành Vinh) - Phạm Phương Long (Công ty Thiên Long).
Tối 23-12, giải kết thúc tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức với 7 trận đấu chung kết đơn.
Thùy An |