(HNMO) – Định mệnh đã đưa Ranieri tới Leicester trong những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp. Dưới bàn tay của “Gã thợ hàn”, đội chủ sân King Power đang viết lại lịch sử NHA khi từ chỗ vô danh, nay đã trở thành ứng viên hàng đầu cho chức vô địch.
Sinh ra tại Rome, thủ đô vĩnh hằng của nước Ý cổ kính, Ranieri bước vào làng bóng đá chuyên nghiệp trong màu áo AS. Roma năm 1973. Sau mùa giải đầu tiên không thành công với vỏn vẹn 6 trận đá chính, sự nghiệp cầu thủ đầy lận đận bắt đầu đeo bám ông qua ba đội bóng ít danh tiếng khác là Catanzaro, Catania và Palermo. Trong suốt 13 năm chơi bóng sau đó, Ranieri sở hữu thành tích không thể tồi tệ hơn, với 363 lần ra sân và 9 pha lập công.
Sau ngần ấy năm miệt mài với “quần đùi, áo số” mà vẫn rơi vào tình trạng chẳng ai biết tiếng, không ai hay tên, Ranieri quyết định dấn thân vào con đường huấn luyện. Chính thức khởi nghiệp từ năm 1987 tại Campania Puteolana, nhưng ông chỉ bắt đầu được giới hâm mộ môn thể thao Vua biết tới vào mùa giải 1988/89, nhờ thành tích đưa đội hạng 3 Cagliari lên chơi ở giải đấu cao nhất đất nước hình chiếc ủng - Serie A. Năm 1991, Ranieri chuyển sang dẫn dắt Napoli. Sau mùa giải thứ hai suýt xuống hạng, đội chủ sân San Paolo không ngần ngại sa thải Ranieri. Đây cũng là lần đầu tiên ông bị sa thải kể từ khi bắt đầu nghiệp cầm quân.
29 năm trong nghề là ngần ấy năm nếm trải cay đắng của HLV Claudio Ranieri |
Năm 2000, Ranieri chuyển sang Anh làm việc trên cương vị HLV của Chelsea. Trong 3 năm đầu tiên, ông gặp vô vàn khó khăn, từ việc bất đồng ngôn ngữ nên phải cậy nhờ tới những cầu thủ đồng hương làm phiên dịch bất đắc dĩ, cho tới chuyện không thể giúp Chelsea giành được bất kỳ danh hiệu nào, khiến ông bị NHM chỉ trích quyết liệt. Cũng từ đó, giới truyền thông Anh gán cho ông cái biệt danh không đẹp đẽ gì cho cam - “Gã thợ hàn” vì liên tục thay đổi đội bóng và cả vì những dấu ấn mờ nhạt ở những nơi từng đặt chân đến.
Khi tỷ phú Roman Abramovich thâu tóm Chelsea vào năm 2003, Ranieri đã có một mùa giải được coi là thành công nhất trong trong 4 năm ở Stamford Bridge. Nhờ những khoản chi mạnh tay của ông chủ người Nga, Chelsea năm đó đã hất cẳng một Arsenal đang thời cực thịnh, để lọt vào bán kết Champions League với Monaco. Thế nhưng, những sai lầm chiến thuật đã khiến giấc mộng châu Âu của Ranieri tan tành mây khói. Tháng 5/2004, Ranieri lần thứ hai bị sa thải, kéo theo đó là quãng thời gian đáng buồn ở một loạt CLB về sau. Nếu không tự ra đi, thì ông cũng bị hất cẳng không thương tiếc.
Trong 29 năm cầm quân, Ranieri đã kinh qua 16 bến đỗ khác nhau, nhỏ có, lớn cũng có và đáng chú ý nhất trong số đó là một loạt những đội bóng thuộc top đầu như Valencia, Atletico Madrid, Chelsea, Juventus và Inter Milan.
Đáng tiếc, dù có cơ hội được làm việc với những đội bóng giàu thành tích và danh tiếng bậc nhất, “Gã thợ hàn” chưa bao giờ được một lần cảm nhận cái gọi là tột đỉnh vinh quang. 16 đội bóng và 7 lần bị sa thải, hơn ai hết, ông là người hiểu rõ nhất cảm giác của kẻ thất bại, cảm giác khi để vuột mất những gì đang trong tầm tay. Dù là một HLV có tài, nhưng số phận có lẽ chưa bao giờ mỉm cười với người con thành Rome, hay chỉ đơn giản là thời của Ranieri chưa đến.
Xoay thời đổi vận
Mùa 2014/15, Leicester City lần đầu trở lại giải đấu cao nhất nước Anh sau hơn 10 năm vắng mặt. Thời điểm đó, “Những chú cáo” dưới sự dẫn dắt của Nigel Pearson với những màn trình diễn yếu kém phải rất vất và mới có thể trụ hạng thành công.
Không thể hài lòng với thành tích tệ hại này, Leicester sau đó đã sa thải Pearson và Ranieri là người được chọn. Cái ngày ngồi vào chiếc ghế nóng tại sân King Power, ông đã phải nhận không ít lời đàm tiếu, chê bai xen lẫn nghi ngờ từ phía NHM. Đây cũng là lý do dễ hiểu vì mới trước đó không lâu, ông tiếp tục bị sa thải vì không thể đưa Hy Lạp qua vòng loại Euro 2016.
Định mệnh thay đổi kể từ khi Ranieri dẫn dắt Leicester |
Tuy nhiên, Ranieri là mẫu người không đầu hàng số phận. Ông vấp ngã, đứng lên rồi lại đi tiếp. Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, ông đặt mục tiêu xây dựng một công trình bền vững lâu dài ngay khi tiếp quản Leicester.
Quả thật, khi nhìn vào những gì Ranieri đã và đang làm được cho Leicester từ đầu mùa 2015/16 tới giờ, NHM bắt đầu ca tụng ông, không ngần ngại nâng ông lên tận mây xanh, trong khi giới truyền thông săn đón ông như một trong những HLV hàng đầu thế giới.
Bóng đá thật kỳ lạ nhưng Ranieri còn lạ kỳ hơn. Ông đang làm được những điều phi thường từ những thứ bình thường nhất. Với Leicester, Ranieri đang dần vượt lên định mệnh, thứ định mệnh từng khiến ông khốn đốn trong suốt 29 năm cầm quân. Đã đến lúc “Gã thợ hàn” xoay thời đổi vận.
Đường tới vinh quang
Khi giải NHA mùa 2015/16 khởi động, chẳng mấy ai có thể nghĩ một đội bóng “hạt tiêu” như Leicester lại có thể làm nên những chuyện động trời. “Những chú cáo” dưới sự dẫn dắt của Ranieri đã chứng minh họ không phải là “đá lót đường” hay là “rổ điểm” cho các đội bóng lớn.
Hai lần vượt mặt các đại gia của NHA để giành lấy vị trí cao nhất BXH và bây giờ vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao đó, Leicester đã buộc những người từng hoài nghi phải “im hơi lặng tiếng”. Với những lần “đè đầu cưỡi cổ” không thương tiếc những ông lớn, Leicester bắt đầu được biết đến như “hiện tượng” của NHA năm nay.
Tuy nhiên, Ranieri đã cho thấy ông và các học trò không đơn giản chỉ có một giây lóe sáng để rồi ngàn năm le lói. Leicester hiện giờ là một khối đoàn kết, thi đấu vì mục tiêu chung chứ không phải của riêng bất kỳ ai. Có cảm giác, mỗi trận đấu với Leicester đều là trận chung kết. Mỗi lần ra sân, các cầu thủ đều chơi như thể ngày mai bóng đá không còn tồn tại nữa.
Nói về thành công của mình với đội bóng, Ranieri cho biết: “Chúng tôi vững chãi đi từng bước một và tin tưởng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vì không phải chịu áp lực thành tích nên các cầu thủ thi đấu rất thoải mái. Chúng tôi tự tin và trưởng thành sau mỗi trận đấu”.
Với đội hình ít giá trị, Leicester sẽ viết lại lịch sử Ngoại hạng Anh |
Ngoài tài kiến thiết của Ranieri, không thể không kể đến những nét chấm phá trong sự thăng hoa của Leicester. Đó là James Vardy, tiền đạo từng có thời gian dài chơi bóng tại những giải đấu gần như vô danh. Bây giờ thì sao? Vardy phá kỷ lục suốt 12 năm của huyền thoại Ruud Val Nistelrooy với liên tiếp 11 trận chọc thủng lưới đối phương và hiện tại vẫn đang dẫn đầu danh sách ghi bàn với 19 pha lập công.
Đó là Riyad Mahrez, người hơn hai năm trước còn chơi ở giải hạng hai Pháp, từng bị chê bai vì chậm chạp, thể lực kém và không có tư duy chiến thuật. Khi đến với Leicester, Mahrez đã dần hoàn thiện bản thân để hòa nhập với môi trường khắc nghiệt của bóng đá Anh. Không lâu sau đó, anh cùng Vardy trở thành cơn ác mộng đối với hàng phòng ngự đối phương.
Bên cạnh cặp song sát này, vẫn còn đó nhưng cầu thủ với quá khứ sự nghiệp lận đận trong đội hình của Leicester như Robert Huth, Daniel Amartey, Danny Simpson hay con trai của huyền thoại Peter Schmeichel là Kasper Schmeichel…
Dù chỉ sở hữu dàn cầu thủ “không sao”, nhưng những điều phi thường mà Ranieri cùng các cầu thủ đang làm được là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: “Tiền không phải là tất cả”. Tổng giá trị đội hình chỉ ở mức 22 triệu bảng, nhưng Leicester dưới bàn tay nhào nặn của Ranieri, cộng thêm quyết tâm và niềm tin không thể lay chuyển của một tập thể vững bền, đang và sẽ tiếp tục “thổi bay” những “hòn đá tảng” trị giá gấp nhiều lần, để tiếp tục vững bước trên đường tới vinh quang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.