(HNM) - Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, được coi là dịp
Kẻ cười, người mếu
Đầu tháng 3, gà giống lông phượng giá 4.500 đồng/con, tăng 2.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu giống tăng cao sau khi các trang trại chăn nuôi đã xuất chuồng một lượng gà lớn bán trong dịp Tết vừa qua. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên - Hà Nội), hiện nay giá giống vịt đang trên đà giảm mạnh: giá vịt siêu thịt tại Trung tâm đã giảm 3.000 đồng/con, hiện chỉ còn 9.000 đồng/con so với trước Tết. Theo ông Tuấn đây là thời điểm thuận lợi để các trang trại nhập con giống trở lại. Trong mùa hè, nhu cầu sử dụng vịt trên thị trường tăng cao, thời tiết miền Bắc mùa này thích hợp cho đàn vịt phát triển. Tuy nhiên, người chăn nuôi đang nghe ngóng thị trường, chậm nhập vịt giống về nuôi. Mặc dù, hiện nay giá thịt lợn thương phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn ở mức cao nhưng giá lợn giống chỉ ở mức 28.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với trước Tết.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đã thành quy luật, cứ sau Tết là hầu hết các loại giá con giống đều tăng cao, nhiều năm còn tăng tới trên 50% nhưng nông dân vẫn hồ hởi nhập về nuôi với khối lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay mặc dù giá lợn, vịt giống giảm nhưng tốc độ tái đàn của Hà Nội cũng không tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, cộng với thời tiết diễn biến bất thường, dễ gây dịch bệnh. Chị Nguyễn Mai Giang (chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Thường Tín) than thở, từ tháng 11-2009 đến đầu năm 2010, có nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá 4 lần. Mỗi lần đi mua thức ăn chăn nuôi lại có một giá mới. Đàn lợn 30 con chị đang nuôi không biết xoay xở thế nào, muốn giảm lỗ thì chỉ có giảm đàn để tận dụng thức ăn có sẵn như rau, cám, ngô.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mức giá giống như hiện nay sẽ ổn định trong 1-2 tháng tới. Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều đơn vị sản xuất con giống lớn của cả nước, nên nguồn cung khá dồi dào. Giá gà giống có dấu hiệu tăng nhưng không phải do khan hiếm mà là do chi phí đầu vào tăng cao. Các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như Công ty CP GROUP đóng tại Xuân Mai, Chương Mỹ hằng năm cung cấp cho thị trường tới 46 triệu con gia cầm giống; Công ty cổ phần Gia cầm Lương Mỹ thường cung cấp cho thị trường khoảng 10 triệu con giống gia cầm 1 ngày tuổi/năm cũng đang trong cảnh khó bán con giống. Đó là chưa kể hàng trăm cơ sở sản xuất giống lớn ở các địa phương khác. Nguyên nhân giá giống lợn, vịt giảm hiện nay chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến người nông dân "treo" chuồng do thiếu vốn để tái đầu tư.
Không nên mua giống trôi nổi
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh rất dễ bùng phát, Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo người chăn nuôi nên tổng vệ sinh, tẩy uế, khử trùng tiêu độc môi trường, chuồng trại và để trống chuồng trong 15-30 ngày trước khi nuôi lứa mới. Khi nhập về nuôi, nên cách ly vật nuôi để theo dõi ít nhất 2 tuần mới cho nhập chung đàn, chú trọng khâu chăm sóc và vệ sinh thú y. Các địa phương cần thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm để phòng chống dịch bệnh.
Người chăn nuôi không nên mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chỉ mua giống gia súc, gia cầm từ các cơ sở chăn nuôi đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và an toàn dịch bệnh, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Đồng thời, nên cân đối cơ cấu giống hợp lý, tránh tình trạng nuôi chuyên một loại con, dẫn đến rủi ro cao do dễ bị thương lái ép giá. Người dân nên quan tâm tới các loại giống mới cho năng suất cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay, như các loại gia cầm đặc sản gà tre, gà mía, gà đồi... Chi phí thức ăn chiếm tới trên 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi nên các hộ chăn nuôi nhỏ cần tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như phế phụ phẩm thủy - hải sản và tấm, cám... để giảm chi phí đầu vào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.