(HNM) - Tài sản của Mark Zuckerberg, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) hãng quản lý mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook, đã bốc hơi 2,1 tỷ USD trong đêm 21-5 vừa qua, sau khi cổ phiếu của công ty này rớt thảm 11%.
Theo chỉ số tỷ phú của hãng tin tài chính Bloomberg, sau hai ngày lên sàn, cổ phiếu của Facebook đã rớt tới 11% xuống còn 34,03 USD khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch 21-5, đưa giá trị tổng tài sản của Zuckerberg xuống còn 17,3 tỷ USD. Sự lao dốc của cổ phiếu Facebook đã khiến không ít người choáng váng.
Cổ phiếu của mạng xã hội Facebook bất ngờ lao dốc chỉ sau hai ngày lên sàn. |
Ngày 17-5, Facebook đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu kinh ngạc khi công ty quản lý mạng xã hội này chào bán thành công 421,2 triệu cổ phiếu với mức giá kỳ vọng cao nhất là 38 USD, thu về 16 tỷ USD và nâng giá trị vốn hóa thị trường lên 104 tỷ USD, bằng một nửa so với giá trị thị trường của Google. Tuy nhiên, chỉ đến ngày hôm sau, khi chính thức được giao dịch trên sàn Nasdaq, cổ phiếu này đã làm nhiều nhà đầu tư cảm thấy khó ở khi tăng vọt vào lúc mở cửa rồi chìm dần về gần với ngưỡng giá chào bán. Là vụ cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được chờ đợi nhất trong năm nhưng cổ phiếu Facebook đã nhanh chóng tỏ ra đuối sức. Tệ hơn là "nỗi đau" này có thể còn kéo dài, bởi nhiều nhà phân tích dự đoán giá trị cổ phiếu Facebook sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư đã đặt nghi vấn về giá trị thực tế của cổ phiếu này liệu có bị quảng cáo thổi phồng quá mức. Thậm chí, một chuyên gia thị trường đã tuyên bố "chẳng có lý do gì" để đầu tư vào Facebook và việc nhảy vào ôm cổ phiếu Facebook lúc này chẳng khác gì "giơ tay không ra bắt dao". Dave Rovelli, một nhà giao dịch kỳ cựu tại Canaccord Genuity chia sẻ trên CNBC rằng ông sẽ chưa đầu tư vào Facebook chừng nào mạng xã hội này chưa có kế hoạch dài hạn hợp lý về việc biến dữ liệu người dùng khổng lồ trong tay thành lợi nhuận. Brian Weiser, một chuyên gia tại hãng tư vấn tài chính Pivotal Research Group tại New York (Mỹ) ước tính giá cổ phiếu của Facebook chỉ vào khoảng 30 USD. Lý do thứ nhất là mạng xã hội này chưa tìm được chiến lược quảng cáo phù hợp để có lợi nhuận từ người dùng Facebook trên điện thoại di động. Thứ hai là Facebook vẫn phải tiếp tục bỏ tiền ra mua nhiều hãng ứng dụng khác nhằm cải thiện khả năng sinh lời đang có nguy cơ giảm sút.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến bất đồng về việc cần phải đổ lỗi cho ai khi cổ phiếu Facebook sụt giá. Bên cạnh quan điểm Facebook đã sai lầm khi phát hành quá nhiều cổ phiếu ngay từ đầu, thì một số khác lại cho rằng chính các hãng tài chính đã bị "mờ mắt" và xử lý vụ đầu tư không tốt. Thêm vào đó, việc giá cổ phiếu của Facebook lao dốc một phần là do những nỗ lực "thổi phồng" giá cổ phiếu này của các nhà bảo lãnh phát hành trong đợt IPO. Và rõ ràng là, tình trạng đi xuống nhanh chóng của giá cổ phiếu Facebook càng làm gia tăng sự giám sát của cơ quan chức năng và thị trường đối với hoạt động kinh doanh của mạng này. Đối với Facebook, trong bối cảnh như vậy, việc khôi phục niềm tin từ Phố Wall sẽ khó khăn hơn.
Với hơn 900 triệu người sử dụng, mạng xã hội Facebook được biết đến trên khắp thế giới. Nhờ nắm bắt rất rõ thị hiếu của gần một tỷ người tham gia, Facebook nghiễm nhiên trở thành không gian quảng cáo lý tưởng mà bất kỳ một công ty nào cũng muốn chen chân vào: 85% trên tổng số 3,7 tỷ USD doanh thu trong năm 2011 của Facebook có được là nhờ tiền quảng cáo. Tuy nhiên, hiện thời Facebook mới chỉ chinh phục được 28% thị trường quảng cáo, còn thua xa nhà mạng khổng lồ khác là Google. Trong mấy quý gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Facebook cũng chậm lại. Trong khi đó, một số nhà đầu tư lại cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, lẽ ra Facebook phải tăng trưởng mạnh hơn. Màn thể hiện đáng thất vọng của Facebook sau khi lên sàn có thể sẽ làm nhụt chí các ngôi sao công nghệ "đang lên" khác như Twitter. Đó cũng chính là lý do vì sao mà nhiều CEO ở thung lũng Silicon muốn trì hoãn việc bán cổ phiếu ra công chúng càng lâu càng tốt để tránh rơi vào tình trạng như Facebook vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.