Theo dõi Báo Hànộimới trên

EVN và nỗi lo thiếu vốn

Thanh Mai| 30/07/2012 06:56

(HNM) - Theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển 5 năm (2011-2015) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân là 13%/năm, chuẩn bị phương án để đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng cao hơn và trong các năm 2012-2015 phải bảo đảm kinh doanh có lãi; đến năm 2013, giá bán điện bình quân theo giá thị trường… Tuy nhiên, mối lo trước mắt EVN cần phải giải quyết là việc thiếu vốn để thực hiện các dự án cấp bách.

Theo kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển 5 năm, để bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện (tổng công suất 11.600MW) và 318 công trình lưới điện truyền tải 220-500kV đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện 110kV, lưới điện trung hạ áp, cùng với trả nợ vốn vay trong giai đoạn này EVN có nhu cầu vốn gần 502 nghìn tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2012, EVN đã huy động được 315.200 tỷ đồng, nhu cầu vốn còn thiếu khoảng 186.300 tỷ đồng.

EVN được áp dụng cơ chế vay vốn đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp bách. Ảnh: Bá Hoạt

Năm 2012, nhu cầu vốn trong kế hoạch là 74.408 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay EVN mới thu xếp được 13.800 tỷ đồng. Trong đó, vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 5.000 tỷ đồng làm vốn đối ứng cho dự án Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2; vay 820 tỷ đồng phục vụ GPMB dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long; vay thương mại trong nước để giải ngân được khoản vay 726 tỷ đồng cho dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2; 575 tỷ đồng thực hiện dự án Thủy điện Sông Tranh 2 và 100 tỷ đồng cho thủy điện Đồng Nai 3, 4… Bên cạnh đó, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án truyền tải điện cấp bách khoảng 4.500 tỷ đồng và vốn phục vụ GPMB cho 54 dự án lưới điện khoảng 2.400 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn chưa thu xếp được cho các dự án điện cấp bách là 19.900 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng khoảng 620 triệu USD (tương đương 13.000 tỷ đồng) và vốn thực hiện dự án khoảng 6.900 tỷ đồng. Do vậy để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các dự án cấp bách, EVN cần phải được áp dụng một cơ chế vay vốn đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện cấp bách. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các chủ đầu tư thực hiện cơ chế đặc biệt.

Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) cho EVN vay làm vốn đối ứng được tài trợ 100% nhu cầu vốn của dự án, không thông qua hình thức mời đồng tài trợ; cho phép miễn thẩm định hiệu quả kinh tế, tài chính, khả năng trả nợ các dự án. Giao Bộ Tài chính bảo lãnh cho EVN vay vốn tại các NHTM để thực hiện dự án; chấp thuận cho NHTM cấp tín dụng với các dự án vượt các hạn chế tín dụng, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng với EVN và người có liên quan theo quy định hiện hành và cho phép vay ngoại tệ để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cho phép Bộ Công thương khi phê duyệt đề án phát hành trái phiếu trong nước cho EVN không xem xét đến kết quả kinh doanh và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, về lâu dài, trong quyết định phê duyệt kế hoạch 5 năm của EVN, Thủ tướng yêu cầu EVN phải triệt để tiết kiệm chi phí; chống lãng phí, xây dựng mô hình tổ chức thống nhất và bộ máy quản lý ở các nhà máy điện, các công ty truyền tải và phân phối điện một cách hợp lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả và đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường; bán điện trực tiếp đến các khách hàng sử dụng điện; tăng cường quản lý để giảm tổn thất điện năng; thoái vốn đã đầu tư tại các công ty liên kết thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, theo đó đến năm 2015 thoái hết vốn đầu tư các lĩnh vực này để tập trung đầu tư các dự án điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVN và nỗi lo thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.