Theo dõi Báo Hànộimới trên

EVN lên tiếng

Trọng Quang| 28/01/2010 08:09

(HNMO) – Về tình hình treo cáp viễn thông trên cột điện đang gây tranh cãi giữa EVN và VNPT (2 tập đoàn lớn của nhà nước), mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra công văn 259/EVN – VT&CNTT, gửi liên bộ Công thương, Tài chính, Thông tin truyền thông và Văn phòng Chính phủ.

Theo nội dung công văn này, nhiều năm qua EVN đã hợp tác chặt chẽ nhiều mặt với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT), góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt là lĩnh vực viễn thông. Riêng trong 30 năm (tính đến trước năm 2003) tập đoàn EVN luôn tạo điều kiện để VNPT treo cáp viễn thông trên khoảng 1,2 triệu cột điện với hơn 40 ngàn km chiều dài mà không hề thu một khoản phí nào (nếu tính giá thuê như hiện nay thì VNPT đã tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng). EVN luôn tạo điều kiện tốt nhất để cấp điện an toàn, liên tục cho các DN viễn thông, đồng thời đã ký với VNPT “Thỏa thuận nguyên tắc về việc hợp tác phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ viễn thông”…

Về tình hình cho thuê cột điện, EVN cho rằng, hiện các dịch vụ viễn thông phát triển nhanh dẫn tới việc treo cáp viễn thông tràn lan, tùy tiện, gây ra nhiều tai nạn khó kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản của EVN, cũng như tính mạng của người dân. Cụ thể: Tình trạng này đã ảnh hưởng nhiều tới sự vận hành an toàn của hệ thông điện, gây tai nạn nguy hiểm cho người dân (đã có trường hợp dây cáp thông tin vô chủ làm chết người khi tham gia giao thông, hoặc gây tai nạn cho chính người đi treo cáp). Theo thống kê của Điện lực TP. HCM, khi chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông trên cột điện thì số lượng cáp vô chủ (rác trời) chiếm tới 40 – 50%. Việc nhiều “rác trời” bám vào cột điện trong Thành phố trông nhằng nhịt từng búi không những gây mất mỹ quan đô thị, mà còn khiến cho chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vận hành của ngành điện gia tăng. Mỗi khi có sự cố cần cải tạo lưới điện, hoặc lắp đặt cáp điện lực mới ngành điện gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các búi rác vô chủ trên cột điện.

Cũng theo EVN, đến nay, ngoại trừ VNPT tất cả các DN viễn thông khác đã thực hiện ký hợp đồng và thành toán đầy đủ chi phí thuê cột điện theo đơn giá mới của EVN ban hành (trong đó có nhiều đơn vị mới tham gia viễn thông, không được sử dụng miễn phí nhiều như VNPT). Trong khi với giá thuê mới, chi phí thuê cột điện của VNPT chỉ chiếm hơn 0,3% tổng doanh thu/năm (gần 300 tỷ đồng). Đây là một con số rất nhỏ nếu đem so với việc VNPT sẽ phải bỏ ra hơn 20 ngàn tỷ đồng đầu tư trồng thêm hơn 1,2 triệu cột điện mới để treo cáp viễn thông. Cần nói thêm rằng, tới nay trong 63 tỉnh, thành của cả nước có 60/63 VNPT địa phương đã ký hợp đồng thuê cột điện theo giá mới với EVN, chỉ còn Hải Phòng, An Giang và Cà Mau là chưa ký. Vì vậy EVN đề nghị VNPT chỉ đạo nốt 3 đơn vị còn lại thực hiện ký hợp đồng với EVN theo đơn giá mới.

Về những công việc trước mắt, công văn 259/EVN – VT&CNTT của EVN khẳng định: Sẽ kiên quyết không cho các DN viễn thông sử dụng cột điện để treo cáp nếu không đảm bảo an toàn cho các tuyến cột điện; Yêu cầu các đơn vị viễn thông khi treo cáp phải đảm bảo kỹ thuật và tuân thủ các quy trình về an toàn lưới điện, phhuf hợp với mỹ quan đô thị; Tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thi công treo cáp; Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp treo cáp không đúng quy định. Riêng về đơn giá cho thuê cột điện mới, EVN sẽ nghiên cứu phương án xây dựng đơn giá theo số lượng sợi cáp thông tin treo trên cột nhằm tạo sự công bằng giữa các đơn vị treo ít và treo nhiều cáp viễn thông.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Ban Viễn thông & CNTT của EVN, hiện nay ngành điện đang chịu nhiều hậu quả trong việc phải đi dọn “rác trời”. Việc treo cáp tùy tiện đã gây nhiều khó khăn cho ngành và bức xúc cho xã hội. Vì vậy, ngành điện rất mong muốn liên bộ và các địa phương cùng phối hợp để lập lại trật tự trên chiếc cột điện. Theo đó, cần phải coi trọng các vấn đề như: Có quy trình, quy phạm treo cáp (do một cơ quan chức năng ban hành); Các đơn vị treo cáp phải gắn “thẻ cáp” trên dây để dễ xác định đơn vị chủ sở hữu; Phải có thỏa thuận với đơn vị quản lý cột điện, hoặc cần có chế tài xử phạt những đơn vị treo trộm cáp trên cột điện một cách tùy tiện…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
EVN lên tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.