(HNM) - Nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng 0,3% trong quý II vừa qua, kết thúc thời kỳ suy thoái kéo dài nhất kể từ khi thành lập năm 1999.
Theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, sở dĩ Eurozone có thể khép lại "kỷ nguyên suy thoái" là chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng bất ngờ 0,7% của kinh tế Đức và 0,5% của Pháp. Mức tăng trưởng ấn tượng mà "đầu tàu" Đức đạt được chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và Chính phủ nới lỏng chính sách kinh tế khắc khổ. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể so với quý trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu cũng là những yếu tố giúp nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có thêm sức mạnh.
Tiêu dùng gia tăng đã thúc đẩy tăng trưởng tại Đức, hỗ trợ sự hồi phục của Eurozone. |
Khác với Đức, quốc gia vốn được xem như một hình mẫu cho phát triển bền vững thì tin vui đến từ nước Pháp là khá bất ngờ. Trong suốt một thời gian dài vừa qua, nền kinh tế của đất nước hình lục lăng liên tiếp tăng trưởng âm cùng với nhiều chính sách cải cách gây tranh cãi. Thậm chí, mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn lên tiếng chỉ trích nước này đi sai đường, khi cho tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách. Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế Pháp, nếu có tăng, cũng chỉ ở mức khoảng 0,2%. Do đó, con số 0,5% do Eurostat công bố là một tin vui ngoài mong đợi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường Pháp đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Đáng kể nhất là mức tiêu dùng của các hộ gia đình tăng 0,4%, tiếp đó là xuất khẩu, sản lượng hàng hóa và dịch vụ tăng. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chế tạo đang đem lại nhiều hy vọng cho nền kinh tế Pháp khi lần đầu tiên kim ngạch thương mại trong lĩnh vực mua bán ô tô đạt mức tăng tưởng dương 2,1% sau nhiều quý ở mức âm quá 5%.
Mặc dù vậy, sự ngạc nhiên lớn nhất lại đến từ Bồ Đào Nha. Sau những ngày tháng dài chìm trong suy thoái với núi nợ công khổng lồ, một trong số những nền kinh tế nhỏ và yếu nhất khu vực đã ngược dòng ngoạn mục với việc công bố tốc độ tăng trưởng lên tới 1,1%. Đây là một kết quả ít ai ngờ tới, bởi Bồ Đào Nha là một trong năm thành viên Eurozone phải viện đến gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế để tránh nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, vẫn là quá sớm để khẳng định Eurozone đã hoàn toàn bình yên. Trên thực tế ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ tại Lục địa già vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt khi mức tăng trưởng của khu vực chưa phải là đồng đều trên toàn khu vực. Có thể nhận thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha - nước cũng phải xin cứu trợ từ bên ngoài để giúp ngành ngân hàng - vẫn tiếp tục giảm 0,1% trong quý II-2013. Hai nền kinh tế lớn khác của khu vực này là Italia và Hà Lan cũng tăng trưởng âm, với GDP cùng giảm 0,2%. Hầu như không có nhà kinh tế nào cho rằng các quốc gia đang mắc nợ có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế giống như Đức trong những năm tới. Vẫn còn những trở ngại lớn mà Eurozone phải vượt qua trong thời gian tới đó là gánh nặng của hệ thống tài chính công lớn và nạn thất nghiệp chắc chắn vẫn tác động xấu tới các nền kinh tế này. Hay nói cách khác, việc thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết nhưng đầy khó khăn vẫn đang trong giai đoạn đầu, do vậy Eurozone vẫn còn một chặng đường rất dài ở phía trước.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát cách đây hơn 3 năm, những tin tức phát đi từ Châu Âu thường khiến dư luận lo ngại hơn là lạc quan. Do đó, con số tăng trưởng dương 0,2% chưa hẳn là quá lớn nhưng cũng là cơ sở để các nhà lãnh đạo khu vực đánh giá được những giải pháp đã thực thi nhằm cứu vãn Cựu lục địa khỏi bị nhấn chìm trong cơn khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc Eurozone thoát khỏi suy thoái cũng đã tạo ra đòn bẩy nâng đỡ niềm tin vốn đang mất dần chỗ dựa trên thị trường toàn khu vực và mang tới hy vọng cho kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.