(HNMO) - Euro 2016 mới chỉ trôi qua được 5 ngày, nhưng hàng loạt vụ bạo lực bên ngoài sân cỏ đã khiến giải bóng đá lớn nhất châu Âu dường như trở nên “kém vui”. 35 người bị thương, 4 người trọng thương và 20 người bị bắt trong các vụ bạo lực liên tiếp ngay trong lòng nước Pháp.
Bạo lực liên tiếp leo thang
Ngày 9/6, một ngày trước khi trận đấu đầu tiên diễn ra, các cổ động viên Anh tập trung bên ngoài quán rượu ở quận Old Port, Marseille đã ẩu đả với thanh niên địa phương và va chạm với cảnh sát chống bạo động của Pháp. Một cổ động viên quá khích của Anh và một thanh nhiên địa phương đã bị bắt giữ.
Ngày 10/6, trước thềm trận đấu giữa các đội tuyển Anh và Nga ở thành phố Marseille, cảnh sát phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán cuộc hỗn chiến giữa các cổ động viên Anh, Pháp và Nga. Một cổ động viên Anh bị thương nặng.
Ngày 11/6, sau trận hòa 1-1 giữa Anh và Nga tại sân vận động Velodrome, một số cổ động viên Nga đã đốt pháo sáng, nhiều hooligan Anh vượt rào, gây bạo loạn.
Những màn hỗn chiến giữa các cổ động viên đã khiến hình ảnh Euro 2016 trở nên xấu xí trong mắt người hâm mộ môn thể thao vua. |
Ngày 12/6, tại Nice, 6 cổ động viên Ireland đã bị thương trong vụ đụng độ với cổ động viên Pháp bên ngoài một quán bar. UEFA cảnh báo sẽ truất quyền thi đấu của tuyển Anh và Nga nếu bạo lực còn tiếp diễn. UEFA cũng tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra và kỷ luật Liên đoàn bóng đá Nga vì những hành vi gây rối và phân biệt chủng tộc của các cổ động viên nước này trong trận đấu giữa hai đội tuyển Anh và Nga tối 11/6 tại sân vận động Velodrome ở Marseille.
Ngày 13/6, công tố viên thành phố Marseille cho biết khoảng 150 cổ động viên quá khích người Nga được cho là được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đứng sau vụ ẩu đả ở sân vận động Velodrome. Vụ ẩu đả này khiến ít nhất 35 người bị thương, trong đó có 4 người đang ở trong tình trạng nguy kịch, hầu hết trong số đó là cổ động viên của Anh.
Lực lượng an ninh bất lực?
Theo tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande trước thềm Euro 2016, một lực lượng an ninh hùng hậu đã được huy động để bảo vệ cho vòng chung kết bóng đá này. Tổng cộng hơn 100.000 nhân viên an ninh đã và đang căng mình đảm bảo an toàn, canh chừng mọi bất trắc cho kỳ Euro năm nay, nhưng dường như lực lượng này đã không thể ngăn cản được những vụ đụng độ liên tục mấy ngày qua giữa các nhóm cổ động viên quá khích.
Liên đoàn Bóng đá Anh cũng bày tỏ lo ngại rằng, các biện pháp của lực lượng an ninh Pháp không đủ mạnh để ngăn chặn hành động gây hấn của các cổ động viên. Công tố viên Pháp cũng thừa nhận, dù có tới 1.000 cảnh sát ở Marseille, các hooligan Nga vẫn tẩu thoát sau vụ bạo loạn.
Cảnh sát Pháp dùng vòi rồng để giải tán đám đông hỗn loạn. |
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực, cùng với việc bắt giữ các phần tử quá khích, cảnh sát Pháp không còn giải pháp nào khác ngoài sử dụng bình xịt hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Tuy nhiên, các biện pháp trấn áp này lại vấp phải sự chỉ trích dữ dội của các cổ động viên nước ngoài.
Gần đây, hàng loạt biện pháp đã được bổ sung như trục xuất những người có hành vi gây rối trật tự công cộng, cấm bán rượu bia trước và trong ngày thi đấu ở những khu vực "nhạy cảm" gần các sân vận động, khu tập trung đông cổ động viên có nguy cơ bùng phát bạo lực. Dù vậy, không ai dám chắc, các biện pháp tình thế này sẽ giúp chặn đứng tình trạng bạo lực trong mùa Euro nguy hiểm nhất lịch sử này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.