(HNM) - Đương kim vô địch (ĐKVĐ) Tây Ban Nha chính thức trở thành cựu vương; đội tuyển Anh như những chú
Lịch thi đấu vòng tứ kết: Các trận đấu đều được phát sóng trực tiếp lúc 2h00 trên kênh VTV3 với các cặp đấu như sau: Ba Lan - Bồ Đào Nha (1-7), Xứ Wales - Bỉ (2-7), Đức - Italia (3-7), Pháp - Iceland (4-7). |
Italia thắng vì Tây Ban Nha quá dở!
Rất nhiều lời khen dành cho sự khôn ngoan, lọc lõi, già dơ của đội tuyển Italia cũng như khả năng "đọc" trận đấu quá hay của HLV Antonio Conte. Nhưng theo cá nhân tôi, đây không phải là nhân tố chính dẫn đến chiến thắng 2-0 của đội bóng thiên thanh trước ĐKVĐ Tây Ban Nha.
Nhân tố quyết định nhất, cũng là điều khiến tôi bất ngờ nhất, đó chính là vì Tây Ban Nha đá quá kém. Các học trò của HLV Conte không gặp khó khăn gì đáng kể. Họ hết sức rảnh chân, tha hồ cầm bóng, tha hồ thực hiện ý đồ. Trong khi đó, Tây Ban Nha gần như không có khả năng phòng ngự nên thua là đương nhiên.
Lẽ ra đây phải là một trận đấu căng thẳng, kịch tính và phải thể hiện hết nét đẹp, cái hay của 2 đội bóng chơi theo 2 trường phái khác nhau. Một Tây Ban Nha với lối chơi tấn công kỹ thuật đẹp mắt. Và một Italia chơi phòng ngự - phản công không chê vào đâu được. Nhưng tôi thất vọng với lối chơi thiếu lửa, khả năng phòng ngự kém cỏi của nhà ĐKVĐ. Họ sai lầm về chiến thuật, để Italia hoàn toàn chiếm lĩnh trung tuyến. Ngay cả các trung vệ đội tuyển Italia cũng hầu như không chịu áp lực trước sự yếu ớt, hời hợt của học trò Del Bosque. Nếu thủ môn De Gea chơi không tốt, Tây Ban Nha thậm chí còn phải chịu nhiều bàn thua hơn, do hệ thống phòng ngự của họ quá lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, thiếu sức mạnh, trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngự từ xa của tiền đạo không có. Del Bosque cũng chỉ xếp 3 tiền vệ, quá mỏng manh để hỗ trợ phòng ngự.
Nhà ĐKVĐ đã phải về nước sớm, chính bởi lối chơi tititaka nửa vời của họ. Cái hay của tititaka là phải thể hiện ở cả trong tấn công và phòng ngự, thế mà Tây Ban Nha tuy có tấn công, nhưng phòng ngự chỉ là con số 0. Cách phòng ngự trong lối chơi tititaka rất hay, mất bóng là quây với số lượng đông và quyết liệt cướp lại bóng ngay, chứ đâu phải kiểu mất bóng đứng nhìn, mặc kệ trung vệ như trận gặp Italia! Nó đòi hỏi đội hình giữ cự ly gần, lên xuống liên tục, thể lực dồi dào. Đây là cái sai trầm trọng của Del Bosque khi không thực hiện phòng ngự từ xa. Đội quân của ông quá yếu ớt, thua là phải!
Sốc với thất bại của Anh
Thực sự tôi rất thất vọng khi Anh có dàn cầu thủ hùng hậu, làm mưa gió ở bóng đá quốc nội, nhưng khi ghép vào một tập thể lại đá rời rạc, thiếu sắc bén đến vậy. Ở đây, lỗi của HLV Roy Hodgson là không thể biện hộ. Ông đã không biến một tập hợp mạnh, nhiều sao trở thành một tập thể có lối chơi ổn định, sắc sảo. Lối chơi của đội tuyển Anh không được xác định rõ ràng, không có đội hình ổn định. Nếu họ thực hiện lối chơi truyền thống đơn giản, đá nhanh, tấn công biên, tạt cánh đánh đầu có khi lại hay. Đằng này, lúc thì họ đá thiên theo kiểu truyền thống, lúc lại loay hoay đá theo kiểu kiểm soát bóng, phối hợp nhỏ, dồn đối phương một cục trước cầu môn, nhưng lại không có những cầu thủ đủ sắc sảo, tinh tế để quấy nhiễu, gây rối loạn hàng phòng thủ chặt chẽ, có chiều sâu của Iceland.
Iceland đã ghi dấu lịch sử EURO khi lần đầu góp mặt tại tứ kết ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. (Ảnh: Getty) |
Iceland thực sự đã gây bất ngờ, bởi với lực lượng con người chỉ có như vậy nhưng họ chơi rất có tổ chức, các cầu thủ tự tin cầm bóng, thực hiện tốt ý đồ chiến thuật của HLV một cách bài bản, khoa học. Họ như một minh chứng cho thấy một tập thể thống nhất, có ý chí, quyết tâm, sự lỳ lợm, biết tin vào mình, tuân thủ sự chỉ đạo của HLV có thể làm được những điều kỳ diệu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.