(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong những ngày căng thẳng cực điểm liên quan đến quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi tới Châu Âu.
Miễn thị thực là một phần quan trọng trong thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. |
Sau khi đạt được một thỏa thuận cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ du lịch đến Châu Âu mà không cần thị thực thì ngày 20-5, EU lại thông qua một cơ chế khẩn cấp có thể ngay lập tức ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vi phạm các điều kiện chủ chốt của EU. Quyết định trên đang làm dấy lên những nghi ngại sẽ xảy ra tranh cãi, nhất là khi thỏa thuận di cư giữa hai bên mới được triển khai.
Theo tinh thần cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU, các quốc gia thành viên trong liên minh này được phép ngừng chương trình miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nếu có một lượng lớn người di cư Thổ Nhĩ Kỳ cư trú trái phép trong EU hoặc nếu có lượng lớn đơn xin tị nạn của người Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Klaas Dijkhoff cho rằng, cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp EU xử lý tình trạng lạm dụng các điều khoản trong thỏa thuận di cư.
Theo ông Dijkhoff, nếu được Nghị viện Châu Âu (EP) phê chuẩn, cơ chế mới không chỉ cho phép ngừng chế độ miễn thị thực đối với "các công dân quốc gia thứ ba" như Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn đối với các quốc gia khác hưởng lợi từ các thỏa thuận tương tự với EU. Bước đi này được xem là "sáng suốt" khi vừa đáp ứng được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ ràng buộc trong thỏa thuận hạn chế dòng người di cư giữa hai bên, vừa đáp ứng được sự "an toàn" cho các nước EU.
Quyết định trên được đưa ra do những lo ngại của EU rằng, việc xóa bỏ thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công khủng bố vào Lục địa già. Những kẻ khủng bố hay tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến EU mà không bị hạn chế. Trong một báo cáo công bố mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) quan ngại rằng tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy hay buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ở Châu Âu. Ngoài ra, EC cũng quan ngại trước đề xuất miễn thị thực cho người dân Kosovo, Ukraine và Gruzia, vì cho rằng đây là vùng lãnh thổ và những quốc gia mà tội phạm có tổ chức mang tính đặc hữu. Do đó, cơ chế này sẽ giúp EU bảo vệ các nước thành viên trước các nguy cơ khủng bố ngày càng cao trên khắp Châu Âu.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những lo ngại về sự sụp đổ của thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc dỡ bỏ thị thực cùng với số tiền viện trợ lên đến 6,8 tỷ USD là điều kiện tiên quyết của Ankara để giúp EU đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư. Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng phê duyệt gần như cả 72 điều kiện nhằm chắc chắn cho việc được miễn thị thực từ EU, chỉ có một điều khoản trong số đó là không được thông qua. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết sẽ không thu hẹp định nghĩa "khủng bố" và "hành động khủng bố". Theo ông R.Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các tổ chức khủng bố tấn công và có những thế lực đang hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Do vậy, nước này sẽ chống khủng bố theo cách của mình. Trong khi đó, các quốc gia EU lo ngại rằng các khoản luật hiện tại của Ankara có thể được sử dụng để nhằm vào các nhà báo và những người bất đồng chính kiến. Mâu thuẫn hai bên càng thêm căng thẳng khi đầu tháng 5 vừa qua, ông R.Erdogan đưa ra tuyên bố việc EU từ chối hủy bỏ chế độ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận về người nhập cư. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận rằng, EU thừa hưởng quyền lợi lớn từ thỏa thuận di cư này, nhưng ông không thể tác động đến lập trường của Ankara về luật chống khủng bố của nước này, đồng thời khẳng định "quyết định nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ" và "nếu nước này đáp ứng các cam kết của họ thì EU cũng sẽ làm vậy".
Vì vậy, việc thông qua cơ chế ngừng miễn thị thực cho công dân mới này của EU dường như sẽ tác động đến các quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chưa bên nào sẵn sàng nhượng bộ, thỏa thuận di cư mong manh giữa hai bên có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Châu Âu chắc chắn không mong muốn điều này, nhưng cùng lúc đó cũng đang chịu nhiều áp lực liên quan đến những lo ngại về an ninh do sự "mở cửa" với quốc gia nằm ở hai bờ lục địa Âu - Á này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.