(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2013 của Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 19 và 20-12 nhằm tìm cách tiến tới những cải cách kinh tế sâu rộng và chính sách phòng thủ mạnh mẽ hơn đã không đạt được kết quả như kỳ vọng bởi sự chia rẽ trong lập trường của nhiều quốc gia trụ cột.
Có thể nhận thấy, các nhà lãnh đạo Cựu lục địa đã rất nỗ lực nhằm tạo ra một cái kết đẹp cho năm 2013 bằng một số đồng thuận như EU sẽ triển khai phái bộ trợ giúp CH Trung Phi hoặc tăng cường quản lý biên giới trên biển cũng như phối hợp kiểm soát trên đất liền để ngăn chặn nạn nhập cư trái phép, thiết lập quỹ việc làm cho thanh niên... Dẫu vậy, đó hoàn toàn không phải đột phá được chờ đợi như chủ đề chính của hội nghị là tăng cường liên kết tài chính và hợp tác quốc phòng.
Các nguyên thủ EU tại Hội nghị Thượng đỉnh. |
Diễn ra trong bối cảnh cơ quan đánh giá tài chính có uy tín trên thế giới S&P vừa hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của EU từ AAA xuống AA+; điều này cho thấy, sự suy yếu trong các hoạt động tín dụng ở 28 nước thành viên EU, gồm cả những nước đóng góp lớn cho ngân sách. Theo S&P, những thỏa thuận tài chính trong EU đã bị giảm giá trị và do vậy sự liên kết giữa các thành viên khu vực trở nên lỏng lẻo hơn. Quyết định của S&P đưa ra bất chấp các bộ trưởng tài chính của EU vừa đạt được một thỏa thuận về liên minh ngân hàng, động thái trao cho Brussels những quyền lực mới chưa từng có nhằm ngăn chặn các ngân hàng làm ăn thua lỗ có thể gây phương hại cho nền kinh tế khu vực. Về cơ bản, cơ chế giải quyết chung sẽ cho phép đóng cửa các ngân hàng làm ăn bết bát trước khi chúng kịp gây thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế. Cùng với đó là một chế độ giám sát mới - những thành tố cơ bản tạo nên liên minh ngân hàng của khối này. Nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng, động thái tích cực này sẽ mở đường cho bước tiến lớn trong quá trình nhất thể hóa EU kể từ khi đồng euro ra đời; đồng thời lấy lại mức tín nhiệm cho các chỉ số tài chính. Thế nhưng, như các hội nghị thượng đỉnh trước đây, những khác biệt về quan điểm giữa các thành viên đã khiến kế hoạch thắt chặt hợp tác ngân hàng chưa thể triển khai ngay và phải lùi tới cuối năm 2014.
Trong lĩnh vực quốc phòng, xuất phát từ lợi ích quốc gia tại thuộc địa cũ Mali và những sự kiện buồn xảy ra với công dân Pháp ở quốc gia Châu Phi này, Tổng thống Pháp Francois Hollande kiên quyết kêu gọi thành lập một quỹ thường xuyên của Châu Âu để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự khẩn cấp ở nước ngoài, trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) được triển khai. Nhưng, nhiều quốc gia Châu Âu lại không mấy mặn mà với lời kêu gọi này của Pháp. Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton còn cho rằng, thành lập quỹ này phụ thuộc vào quyết định về cách thức sử dụng nguồn lực của 28 thành viên EU. Bên cạnh sự chia rẽ về đề xuất của Pháp, các nước trong EU cũng không đạt được sự đồng thuận trong chính sách quốc phòng chung. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị vũ khí tổng hợp và phối hợp chính sách quốc phòng giữa các nước thành viên thì Thủ tướng Anh David Cameron lại ngay lập tức bác bỏ bất cứ sáng kiến nào theo kiểu "một liên minh quốc phòng thực sự".
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế khi dần tìm lại đà tăng trưởng sau thời gian dài suy thoái, song theo các nhà phân tích, 2014 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức mà các thành viên EU phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó. Dẫu biết triển vọng phục hồi của Lục địa già phụ thuộc vào nhiều yếu tố; nhưng sự đồng thuận cả về chính trị và tài chính sẽ luôn là quyết định của mọi thành bại và EU không là ngoại lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.