Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì vị thế

Thùy Dương| 22/08/2016 06:21

(HNM) - Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp với những thách thức an ninh mới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa đệ trình lên Quốc hội nước này dự toán ngân sách quốc phòng năm 2017 với mức 5.170 tỷ yên, tương đương 51,7 tỷ USD.


Ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng liên tục nhằm đối phó với diễn biến phức tạp trong khu vực.


Khoản ngân sách khổng lồ này - dự kiến thông qua trong tháng 8 - được phân bổ cho nhiều mục đích như: Tăng cường hệ thống phòng thủ bảo vệ quốc đảo khỏi các đòn tấn công tên lửa đạn đạo có thể đến từ Triều Tiên; xây dựng hạm đội tàu ngầm đủ sức đối phó khi xảy ra tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông...

Với mức tăng 2,3% so với năm tài khóa 2016, đây là năm thứ 5 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng. Các nhà phân tích cho rằng, điều này không gây ngạc nhiên, bởi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng từ năm 2013, sau khi ông Shinzo Abe trở lại nắm ghế Thủ tướng từ tháng 12-2012. Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách quốc phòng nhằm đưa cường quốc kinh tế ở khu vực Châu Á trở thành một quốc gia năng động hơn về an ninh quốc phòng trong khu vực và thế giới.

Để bảo đảm an ninh, vực dậy kinh tế và duy trì vị thế quốc tế của xứ Phù tang, Thủ tướng S.Abe sẽ phải nỗ lực để tối đa hóa năng lực, tầm ảnh hưởng và vai trò của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là tận dụng tối đa nguồn lực quân sự mà Nhật Bản hiện có. Do đó, lộ trình tăng sức mạnh quân sự đã được Tokyo vạch ra từ nhiều năm nay. Đầu tiên là nâng mức đầu tư ngân sách để trang bị vũ khí hiện đại, đào tạo lực lượng phù hợp với tình hình an ninh mới. Ngân sách cũng được phân bổ để tăng sức bảo vệ bờ biển ở các đảo phía Nam của Miyakojima và Amami Oshima nhằm xoa dịu lo ngại của dư luận trước những hành động quyết đoán hơn của người láng giềng Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Ngoài ra, việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa với đường bay hướng về vùng biển Nhật Bản, đồng thời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cũng khiến xứ Phù tang phải lựa chọn thế chủ động trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa tầm xa.

Ngoài các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng ở quy mô toàn cầu. Cướp biển hoành hành trên nhiều vùng biển, đặc biệt ở vịnh Aden và eo biển Malacca ảnh hưởng rất lớn đến tự do hàng hải. Trong khi đó, nhiều tuyến vận tải biển trọng yếu với nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Nhật Bản lại buộc phải xuyên qua các vùng biển trên, nhất là các đội tàu chuyên chở dầu mỏ. Thế nên, một lực lượng quân sự chủ động hơn và đủ mạnh nhằm bảo đảm chiến lược kinh tế là hiện thực để Tokyo theo đuổi. Năm ngoái, đất nước Mặt trời mọc đã thông qua luật mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài của các lực lượng phòng vệ. Chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe đến Washington năm 2015 cũng đã góp phần làm sâu đậm hơn hợp tác quân sự Nhật - Mỹ.

Những thay đổi nêu trên cho thấy, chính quyền xứ Phù tang đang khao khát “đưa Nhật Bản mạnh mẽ trở lại”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong lĩnh vực an ninh khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc Nhật Bản gia tăng sức mạnh quân sự sẽ thúc đẩy Trung Quốc hành động tương xứng. Nga cũng sẽ buộc phải củng cố các đội tàu và các lực lượng hải - lục - không quân ở vùng Viễn Đông. Bình Nhưỡng cũng sẽ không dừng chương trình hạt nhân đầy bí ẩn nhằm ứng phó với liên minh Nhật - Mỹ - Hàn.

Như vậy, sự gia tăng phòng vệ và nâng cao năng lực quốc phòng của xứ Mặt trời mọc trên cơ sở tăng chi tiêu quốc phòng không chỉ dự báo về một cuộc đua "ngân sách" mà còn làm đậm thêm chỉ dấu xung đột vốn đang tiềm tàng trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Duy trì vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.