Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì thói quen văn minh

Đình Hiệp| 31/01/2023 06:12

(HNM) - Dịp đầu năm mới Quý Mão, nhờ dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên lượng người đổ về các địa điểm tâm linh ở Thủ đô để cầu phúc, cầu an như chùa Hà, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ… đông hơn nhiều so với năm trước. Trước tình hình đó, các cơ sở tôn giáo cùng chính quyền địa phương bố trí lực lượng nhằm giúp người dân duy trì thói quen văn minh khi đi lễ chùa đầu năm.

Người dân hóa vàng mã đúng nơi quy định tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Cầu mong bình an

Từ nhiều năm nay, anh Đinh Việt Anh (phường Thành Công, quận Ba Đình) duy trì thói quen đến các đền, chùa dịp đầu năm mới để cầu mong sự bình an và tìm sự an lạc. Theo anh Việt Anh, những ngôi chùa, đền, phủ nổi tiếng thường tọa lạc tại vị trí đẹp, thuận tiện giao thông nên không chỉ thu hút người dân đến lễ mà có cả khách tham quan vãng cảnh đầu năm.

Đền Quán Thánh nằm trên đường Thanh Niên (quận Ba Đình), luôn thu hút đông đảo người dân những ngày này. Ghi nhận cho thấy, rất đông người dân xếp hàng dài tại cổng đền để chờ tới lượt mua vé vào chiêm bái, vãng cảnh. Chị Thu Hà (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) cho biết: “Tôi được biết trong 3 ngày Tết, đền Quán Thánh mở cửa tự do cho người dân vào lễ, còn từ mùng 4 Tết trở đi thì mọi người phải mua vé vào cửa với giá 10 nghìn đồng. Ngày đầu năm mới nên lượng người đổ về đây rất đông, trong đó có cả những người đến du xuân vãng cảnh chùa và chụp ảnh lưu niệm”.

Nằm trên một hòn đảo của hồ Tây, chùa Trấn Quốc nổi tiếng bởi sự linh thiêng cùng lối kiến trúc Phật giáo độc đáo nên nhiều du khách thập phương tìm đến hành lễ đầu năm. Thành kính chắp tay, bà Nguyễn Thị Diễm (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cầu mong năm mới gia đình được bình an, công việc thuận lợi. Bà Diễm cho biết, nhiều năm nay, bà cùng các thành viên gia đình chọn chùa Trấn Quốc là nơi du xuân. Đến với chốn tâm linh này, mọi người cảm nhận được sự bình yên mà không phải nơi đâu cũng có được.

An ninh trật tự được bảo đảm

Sau khi đi một vòng các ngôi chùa lớn của Thủ đô Hà Nội, bà Vũ Thị Tuất (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) cùng các bạn có chung cảm nhận: Dù năm nay lượng người đổ về các đền, chùa lễ dịp đầu năm đông hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng công tác an ninh trật tự được bảo đảm. Tuy nhiên, tại một số di tích, trong đó có đình, chùa Hà vẫn còn tình trạng người dân thắp hương, đốt vàng mã nhiều. “Với lượng người dân đến lễ đông như vậy, ai cũng thắp hương và đốt vàng mã thì không khí rất ngột ngạt, tro của vàng mã bay ra gây ô nhiễm môi trường”, bà Tuất bày tỏ.

Tại Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An (quận Tây Hồ), phóng viên Báo Hànộimới đi một vòng mới tìm được chỗ gửi xe máy do người dân thập phương đổ về đây lễ rất đông. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ Nguyễn Thư cho biết, do lượng khách tăng mạnh trong những ngày đầu năm Quý Mão nên Ban Quản lý di tích đã bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Theo ông Thư, lượng du khách rất đông nhưng ý thức bảo vệ môi trường tốt. Cùng với đó, Ban Quản lý đã bố trí những thùng rác di động xung quanh phủ để người dân có thể bỏ rác vào thùng, không xả rác bừa bãi. Những khu vực dễ phát sinh rác như khu sắp lễ, khu hóa vàng…, ngoài những thùng rác được đặt cố định, Ban Quản lý di tích bố trí thêm những dụng cụ chứa rác, túi ni lông của du khách. Năm nay, Phủ Tây Hồ khuyến cáo người dân hạn chế đốt đồ mã, hóa vàng để bảo vệ môi trường, giữ gìn không khí trong lành.

Để bảo đảm sự trang nghiêm và văn minh tại các đền, chùa, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký ban hành Văn bản số 40/HĐTS-VP1 về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an trong dịp Tết cổ truyền xuân Quý Mão 2023. Theo đó, đề nghị các cơ sở tự viện hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, hướng dẫn tín đồ, Phật tử, khách thập phương có hành vi văn minh, lịch sự trong văn hóa ứng xử, trang phục, sử dụng đồng tiền phù hợp văn hóa, đúng luật, không giắt tiền vào tượng Phật hay các linh vật thờ cúng.

Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho biết, thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tốt các chương trình, hoạt động lễ hội tôn giáo tại cơ sở tự viện, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở những nơi diễn ra các hoạt động lễ hội tôn giáo.

“Mỗi Phật tử cũng như người dân Thủ đô khi đi lễ chùa cần thực hiện nghiêm các quy định của thành phố, trong đó khuyến khích các hành vi văn minh nơi linh thiêng. Không sử dụng, lạm dụng vàng mã, đồ mã trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo, tín ngưỡng; hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bói toán, xin xăm, quẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác trong cơ sở tự viện”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Duy trì thói quen văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.