Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì cân bằng chiến lược

Đình Hiệp| 08/07/2015 06:27

(HNM) - Chưa đầy hai tháng sau chuyến thăm dài ngày tới một loạt quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại tiếp tục chuyến công du 8 ngày tới 5 quốc gia Trung Á và Nga nhằm thúc đẩy kinh tế cũng như hợp tác chiến lược.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov thảo luận nhiều vấn đề hợp tác.



Với lịch trình dày đặc, nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á sẽ lần lượt tới Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga. Đây là những quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực, giàu tài nguyên thiên nhiên lại không xa biên giới Ấn Độ. Chuyến thăm được cho là sự kiện bước ngoặt nhằm phục hồi các mối quan hệ cổ xưa giữa Ấn Độ với từng quốc gia Trung Á. Vì thế, sự kiện Thủ tướng N.Modi chọn 5 quốc gia Trung Á và Nga để thực hiện chuyến công du - chỉ hơn một năm sau khi nhậm chức - không chỉ cho thấy những thay đổi trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ mà còn phản ánh quyết tâm chính trị mới trong việc đưa New Delhi xích lại gần hơn với các quốc gia khu vực.

Ngay trong chặng dừng chân đầu tiên tại Uzbekistan, hai bên ký kết 3 thỏa thuận thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan ngoại giao hai nước và trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Điều đó đã phản ánh thiện chí của cả hai bên trong thúc đẩy quan hệ song phương. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng N.Modi mong muốn Ấn Độ và Uzbekistan duy trì các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên và đề nghị Uzbekistan tham gia dự án "Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế" - bao gồm một hệ thống các tuyến tàu thuyền, đường sắt và đường bộ nối các quốc gia Trung Á và Nga tới Vịnh Persia (Ba Tư) đi qua Iran.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cho các lò phản ứng hạt nhân, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm Kazakhstan, hai bên sẽ ký lại hợp đồng cung cấp uranium từ Kazakhstan cho Ấn Độ. Thực tế, hai nước bắt đầu hợp tác hạt nhân dân sự từ tháng 1-2009, sau khi Công ty hợp tác điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) và Công ty hạt nhân Kazakhstan (KazAtomProm) ký Bản ghi nhớ để KazAtomProm cung cấp uranium cho các lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hợp đồng này đã hết hạn vào tháng 12-2014.

Theo nhận định của Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII), kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ với 5 quốc gia Trung Á trên có thể tăng nhiều lần so với mức 1,4 tỷ USD hiện nay. Nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển thêm các hành lang vận tải kết nối Ấn Độ với khu vực Trung Á, CII cho rằng cần triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu - khí PAPI (Turkmenistan - Afghanistan - Iran - Pakistan). Theo CII, có nhiều lĩnh vực lớn cho Ấn Độ hợp tác tại khu vực Trung Á, trong đó có dầu khí, khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, dược phẩm, dệt may và hóa chất. Bên cạnh đó, giao thương giữa Ấn Độ với khu vực này có thể tăng gấp nhiều lần nếu có sự kết nối. Một số nhận định khác cho rằng, quyết định của chính phủ Ấn Độ khi tăng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% có thể sẽ thu hút thêm đầu tư, đặc biệt từ Nga vào lĩnh vực này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Nga hiện vẫn dưới tiềm năng, chỉ ở mức 8 tỷ USD. Với chính sách nới lỏng FDI trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, Ấn Độ sẽ phối hợp với Nga thành lập một Đặc khu kinh tế về quốc phòng và không gian.

Trong bối cảnh Nga không ngừng nỗ lực giành lại vị thế tại khu vực, Trung Quốc liên tục mở rộng ảnh hưởng qua các thỏa thuận kinh tế, việc Ấn Độ hiện được đánh giá là một cường quốc mới nỗ lực nhằm đóng một vai trò lớn hơn ở Trung Á là một động lực hợp lý. Cũng như thế, sự tăng cường hợp tác với Nga là một lựa chọn có tính thời cơ trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa lắng dịu và Ấn Độ vẫn cần một sự cân bằng chiến lược để duy trì vị thế cũng như ứng phó với những thách thức từ sự trỗi dậy của nhiều quốc gia khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì cân bằng chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.