Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC), để khắc phục sự cố đứt cáp quang biển AAG nhanh nhất cũng phải mất 10 ngày.
Như tin đã đưa, vào lúc 8 giờ 05 phút ngày 05/01/2015 trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đã xảy ra sự cố bất khả kháng gây sụt giảm dung lượng hơn 110G hướng đi Hong Kong, 30G hướng đi Mỹ và một số kênh 2,5G hướng đi Singapore, Nhật Bản.
Sơ đồ tuyến cáp quang AAG. |
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn VNPT đã khẩn trương làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG để cập nhật thông tin, khắc phục sự cố và đồng thời triển khai phương án ứng cứu, khôi phục lưu lượng qua hướng ưu tiên, đảm bảo ổn thỏa chất lượng cung cấp cho khách hàng.
Giống như mọi lần trước kịch bản dự phòng hỗ trợ sự cố đều sẵn sàng triển khai. VNPT có các cả các tuyến trên đất liền và tuyến cáp quang biển khác đều có dung lượng lớn hơn rất nhiều AAG nên đã được xử lý, gánh tải, nâng cấp cho các đường khác. Trên thực tế, các nhà khai thác khác cũng đang xoay sang đề nghị VNPT ứng cứu. Nhưng hiện VNPT vẫn đang cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ ổn định cho khách hàng của mình, sau đó mới hỗ trợ được cho các đơn vị bạn, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hổng Hải, đến giờ này chưa khẳng định được chắc chắn 100% sự cố trên là do đứt cáp, có thể hỏng thiết bị trên tuyến cáp quang biển nên cần phải sửa chữa. Ông Hải cũng tiết lộ rằng, trong đợt đứt cáp này có một số nhà khai thác mất gần hết lưu lượng vì chỉ sử dụng 1 tuyến cáp AAG.
Lý giải về việc sự cố đứt cáp lần này khiến người dùng Internet ngay lập tức nhận thấy mạng Internet đi quốc tế bị chậm hẳn lại, ông Hải cho rằng, khi một sự cố xảy ra, phương thức điều tiết chưa thể ngay lập tức áp dụng mà đòi hỏi cần có thời gian 1-2 ngày để cân chỉnh lại. Đặc biệt, sự cố đợt này lại rơi vào thời điểm vừa qua ngày lễ, nên sự phối hợp với quốc tế trong việc cân chỉnh lưu lượng, lái lưu lượng có chậm hơn một chút.
Mặt khác, giai đoạn cuối năm vừa rồi, tốc độ phát triển khách hàng của nhà mạng lớn hơn rất nhiều, kết hợp với nhu cầu đầu năm mới về gửi thông tin, thông điệp, thiếp chúc mừng, ảnh… dung lượng rất lớn. Tức là sự cố rơi vào đúng thời kỳ cao điểm nhất trong năm. Do đó, khi sự cố xảy ra, người dùng sẽ cảm thấy ngay mạng truy cập đi quốc tế chậm hơn.
Theo lý thuyết chung, việc hàn xong một mối đứt ở vị trí thuận lợi nhất và điều kiện thời tiết tốt nhất cũng phải mất 10 ngày, còn trung bình phải mất 3 tuần để làm tất cả thủ tục và hàn nối xong. "Việc đứt cáp AAG chỉ giảm chất lượng dịch vụ, không ảnh hưởng về mặt an toàn an ninh thông tin" - ông Hải khẳng định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, "tuyến cáp AAG được đưa vào khai thác từ 10/11/2009 và đến nay đã đứt khoảng 8 lần, hầu như năm nào cũng gặp sự cố đứt cáp. Đây là lần đầu tiên trong năm 2015 cáp quang biển AAG bị đứt. Vậy điều gì khiến cáp AAG hay đứt đến vậy? Có phải do chất lượng kém?", ông Hải nhận định: “Đúng là trong số các tuyến cáp đi quốc tế của Việt Nam, tuyến AAG là tuyến cáp mới đưa vào mà xảy ra sự cố nhiều nhất, thường xuyên và không có năm nào không có sự cố. Có thể là vì AAG nằm ở tuyến rìa của đường hàng hải nên dẫn tới sự cố liên quan đến từ hàng hải khá lớn. Nhưng chắc chắn không phải do chất lượng, vì các tổng công ty, tập đoàn đầu tư thành lập ra công ty khai thác và kinh doanh hệ thống tuyến cáp này nên không ai mong muốn bị hỏng, vì khi hỏng sẽ phải thuê các dịch vụ, đội tàu hàn nối rất tốn kém. Tốn kém nhiều thì lợi nhuận của họ giảm đi rất lớn, có thể bị thua lỗ”.
Ông Hải cũng tiết lộ thêm rằng, hiện VDC (thuộc VNPT) đang có các hợp đồng lớn chuẩn bị đưa vào các kênh khai thác dung lượng lớn, khoảng vài chục GB đi Mỹ. Vì vậy, nếu tiến độ đẩy nhanh hơn và đưa các tuyến này vào sử dụng thì kể cả khi đứt cáp AAG, VNPT không chỉ đủ đảm bảo chất lượng kết nối mạng cho khách hàng mà còn có thừa để hỗ trợ cho các nhà khai thác khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.