Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ: Thiên lý lắm chông gai

Quỳnh Chi| 25/06/2013 07:16

(HNM) - Chặng đường gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ suốt vài thập kỷ qua vốn đã gập ghềnh nay lại vừa có thêm những trở ngại khó vượt khi Đức ngăn cản các thành viên trong khối mở vòng đàm phán mới liên quan tới vấn đề này vào ngày 26-6.

Ngay lập tức, căng thẳng ngoại giao Ankara - Berlin đã bùng phát vào những ngày cuối tuần qua. Không chỉ lời qua tiếng lại, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức còn triệu tập đại sứ của nhau trong động thái "ăn miếng, trả miếng" để phản đối quan điểm của mỗi bên. Trong khi chính quyền Đức phê phán Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cách xử lý cuộc biểu tình kéo dài hơn 3 tuần qua tại nhiều thành phố lớn, thì Ankara lại cho rằng việc phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU là một "chiêu bài" thu hút cử tri của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đón cuộc bầu cử Quốc hội Đức đang đến gần (có tới 60% số người Ðức phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU).

Chặng đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều khó khăn.



Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị quốc tế về Syria tại Qatar ngày 22-6 nhằm xoa dịu bất đồng giữa hai bên; song tình trạng "bằng mặt, không bằng lòng" dự báo sẽ tiếp tục đeo đuổi quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới. Không cần nói đâu xa, ngay sau cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn tái khẳng định CDU tiếp tục phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trong chương trình vận động tranh cử của đảng này công bố ngày 23-6. Trong một bình luận được đưa ra, bà A.Merkel còn nhấn mạnh mục tiêu của mối quan hệ "đối tác đặc quyền" Thổ Nhĩ Kỳ - EU đã được sửa đổi vì Thổ Nhĩ Kỳ không muốn điều đó.

Trên thực tế, không chỉ một trụ cột Châu Âu là Đức ngần ngại Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU mà cả Pháp và Hà Lan cũng cùng quan điểm này. Vì vậy, dù nộp đơn xin gia nhập vào "ngôi nhà chung 27 thành viên" từ năm 1963 nhưng mãi tới năm 1999 Thổ Nhĩ Kỳ mới được công nhận chính thức là một ứng cử viên và phải đến năm 2004 EU mới chấp nhận tư cách đàm phán xin gia nhập EU của Ankara.

Có nhiều lý do khiến đường vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ không được suôn sẻ như nhiều quốc gia khác, mặc dù nước này tỏ ra nổi trội hơn ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội... Trước hết phải kể đến những rắc rối liên quan tới CH Síp - một quốc gia thành viên EU - thường xuyên phải hứng chịu những cuộc xung đột giữa cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải đưa quân vào Síp gìn giữ hòa bình từ năm 1964. Năm 1974, Hy Lạp đưa thêm quân vào quốc đảo này, lập chính phủ chịu ảnh hưởng của Hy Lạp. Song lấy cớ "bảo vệ người Síp gốc Thổ", Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa quân vào chiếm 40% đất đai phía bắc đảo Síp, tiếp đó đưa thêm người Thổ ra định cư ở đây, đồng thời tăng thêm quân đội chiếm đóng. Ngày 15-11-1983, cộng đồng Síp gốc Thổ đơn phương thành lập nước "Cộng hòa Thổ Bắc Síp". Tình trạng chia cắt vẫn tiếp tục chưa được tháo gỡ cho đến khi Síp trở thành thành viên của EU. Dĩ nhiên, để trở thành người "chung một nhà" với CH Síp với tư cách là thành viên mới của EU, Thổ Nhĩ Kỳ không thể giữ nguyên những chính sách gây bất hòa.

Bên cạnh đó, theo lập luận của phe phản đối Ankara trở thành thành viên EU, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ có đa số dân theo Hồi giáo sẽ dẫn đến một cuộc "cách mạng" với "câu lạc bộ Công giáo". Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ có số dân hiện khoảng 76 triệu người, chỉ đứng thứ hai trong EU sau Đức. Với cách thức nước có dân số đông sẽ có nhiều lá phiếu hơn như EU hiện nay, đây sẽ là mối e ngại lớn của phía đa số theo Công giáo. Ngoài ra, chính vì số dân lớn nên về kinh tế, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có những bước tiến lớn vài năm qua song vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của EU, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự chênh lệch này được cho là sẽ gây khó khăn cho các thành viên EU khi phải thêm gánh nặng Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong trợ cấp theo chính sách nông nghiệp chung của EU...

Với những lý do chưa đầy đủ như thế, hẳn con đường vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ không những sẽ rất dài mà còn hứa hẹn không ít chông gai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ: Thiên lý lắm chông gai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.