(HNMO) - Nhân dịp 60 năm truyền thống của ngành đường thủy nội địa (11/8/1956-11/8/2016), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ có những chia sẻ tình hình thực tế và định hướng của Bộ GTVT nhằm khơi dậy tiềm năng của ngành vận tải thủy nội địa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ |
Dư địa lớn để phát triển
PV: Nước ta có hệ thống sông, kênh phong phú tạo tiềm năng lớn để khai thác giao thông vận tải đường thủy, điều này đã và đang được phát huy ra sao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên Thế giới có hệ thống sông, kênh dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi, liên thông giữa các địa phương và các vùng trong cả nước. 3045 sông kênh nội tỉnh và 406 sông kênh liên tỉnh với tổng chiều dài 80.577km, trong đó có khoảng 42.000km sông kênh có khả năng khai thác vận tải được kết nối với đường bờ biển dài 3.260km thông qua 124 cửa sông chảy ra biển. Từ lợi thế về thiên nhiên, địa lý đó, giao thông vận tải đường thủy nội địa đã luôn góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Vận tải thủy nội địa có ưu điểm là giá cước vận tải thấp, tiết kiệm nhiên liệu và có tính xã hội hóa cao, thích hợp để vận chuyển loại hàng có khối lượng lớn như nguyên vật liệu xây dựng, than, nông sản, lương thực... cũng như hàng siêu trường, siêu trọng. Do đó, vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải xanh, phục vụ cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.
Trước đây, vận tải đường thủy nội địa được khai thác chủ yếu theo điều kiện tự nhiên của sông kênh và ít được đầu tư nên còn phát triển khá khiêm tốn so với tiềm năng vốn có. Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng đường thủy nói riêng được cải thiện rõ rệt. Hơn 1.500km đường thủy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ đã được đầu tư nạo vét, nâng cấp; một số cảng hàng hóa đầu mối được xây dựng; nhiều công trình vượt sông trên không như cầu đường bộ, đường sắt được xử lý về vấn đề tĩnh không... đã giải quyết được nhiều hạn chế, vướng mắc để thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy.
Từ năm 2014, Bộ đã công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang sử dụng phương tiện mang cấp VR-SB nhằm kết hợp hài hòa các phương thức vận tải, giảm tải cho đường bộ, đồng thời giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế biển của các địa phương. Sau gần 2 năm triển khai, tuyến vận tải biển đã cho thấy những kết quả tích cực. Tính đến tháng 6/2016, sản lượng vận tải ven biển đạt gần 15,6 triệu tấn hàng hóa, trong đó 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 7,2 triệu tấn.
Hiện nay, thị phần vận tải đường thủy nội địa chiếm khoảng 17% sản lượng vận chuyển hàng hóa và 4,5% sản lượng vận chuyển hành khách của cả nước với 194,6 triệu tấn hàng hóa và 146,5 nghìn lượt hành khách năm 2015. Ngành vận tải đường thủy nội địa vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ để phát huy lợi thế đã có, đạt được mục tiêu nâng thị phần vận chuyển hàng hóa lên hơn 32% vào năm 2020.
PV: Cụ thể, theo Thứ trưởng đâu là những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “khơi thông” tiềm năng vận tải đường thủy?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Đoàn phương tiện cũng như thiết bị khai thác tại các cảng, bến hầu hết đã cũ, lạc hậu, chậm đổi mới về công nghệ; mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa quan tâm áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, điều hành; thiếu các cảng, bến có quy mô lớn, được đầu tư trang thiết bị xếp dỡ công-ten-nơ chuyên dụng để đóng vai trò đầu mối; cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng, bến thủy nội địa còn nhiều khó khăn, gây hạn chế trong việc phát triển vận tải đa phương thức; đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên không được đào tạo bài bản và cập nhật...
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn hoạt động vận tải thủy nội địa; công tác rà soát, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu...
Những khó khăn trên đã, đang và sẽ là những thách thức lớn đối với vận tải thủy nội địa Việt Nam, nếu không kịp thời giản quyết sẽ khiến vận tải đường thủy nội địa sẽ bị tụt hậu, không tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế.
PV: Bộ GTVT đang triển khai tái cơ cấu vận tải, trong đó mục tiêu là san sẻ gánh nặng cho đường bộ và nâng thị phần vận tải đường thủy. Bộ GTVT thực hiện giải pháp nào để đạt được mục tiêu trên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt triển khai công tác tái cơ cấu vận tải nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải; xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải. Trong đó, lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa được định hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; nâng thị phần vận chuyển hàng hóa lên hơn 32% vào năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ như: rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về lĩnh vực đường thủy nội địa để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và phát triển thị trường vận tải thủy nội địa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng tại các cảng, bến thủy nội địa; chủ động trao đổi, làm việc với các địa phương, khảo sát thực tế, xác định các khó khăn vướng mắc để có các giải pháp, chính sách phù hợp phát triển vận tải thuỷ đối với từng địa phương, từng vùng; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; đổi mới tư duy, cách làm để phát triển vận tải thuỷ đảm đương vận chuyển khối lượng lớn, hạ giá thành vận tải, giảm áp lực và tai nạn giao thông cho đường bộ; duy trì hiệu quả các kênh đối thoại, tiếp nhận thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp vận tải, cảng bến thủy nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; mở rộng tính kết nối và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, tiết giảm chi phí vận tải cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước...
PV: Ngành đường thủy đã có truyền thống 60 năm thành lập (11/8/1956-11/8/2016) và phát triển, Thứ trưởng kỳ vọng gì vào sự đổi mới của ngành trong thời gian gần đây?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trong suốt 60 năm qua, ngành Đường thủy nội địa Việt Nam gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc và lịch sử 70 năm truyền thống đi trước mở đường của ngành Giao thông vận tải Việt Nam, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực cùng những thành tích đáng tự hào của tập thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước đòi hỏi ngành Giao thông vận tải nói chung và ngành Đường thủy nói riêng phải nhanh chóng phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại, đảm nhiệm được vai trò quan trọng của mình đó là đi trước một bước, tạo tiền đề cho sự phát triển chung của đất nước. Tôi tin tưởng rằng, Ngành Đường thủy nội địa sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, đổi mới sâu sắc và toàn diện, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hiện đại hóa ngành Giao thông vận tải.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.