Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dưỡng sức cho nhân viên y tế để chung sống lâu dài với Covid-19

Nhóm phóng viên| 08/12/2021 18:11

(HNMO) - Gần 1 năm qua, nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh căng sức trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Do dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, việc gắng sức trong thời gian quá lâu có nguy cơ làm nhiều người mệt mỏi, dẫn đến xin nghỉ việc. Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều biện pháp để đội ngũ quan trọng này được “dưỡng sức”, chiến đấu lâu dài với Covid-19.

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh phải gắng sức, dẫn đến mỏi mệt.

Thiếu nhiều nhân viên y tế

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, riêng trong năm 2021, có gần 1.000 nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh xin nghỉ việc. Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong đơn xin nghỉ việc, nhiều nhân viên y tế nói, việc phải gắng sức trong một thời gian dài khiến họ mệt mỏi; nhiều người không có thời gian, tiền bạc chăm lo gia đình.

Thừa nhận đây là tình trạng đang xảy ra trên thực tế, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, số nhân viên y tế xin nghỉ việc trong năm 2021 cao gấp đôi so với trung bình các năm trước. Nhiều người trong số này đã 8 tháng liên tục không có ngày nghỉ, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có gần 1.000 nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh xin nghỉ việc, cao gấp đôi so với trung bình những năm gần đây.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, số bác sĩ/10.000 dân còn thấp so với nhu cầu. Đối với nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, trong khi trung bình cả nước là 7,42 nhân viên/10.000 dân thì thành phố Hồ Chí Minh ở mức thấp nhất trong cả nước, chỉ có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân. Việc có thêm nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà còn ảnh hưởng lâu dài đến công tác chăm sóc sức khỏe thông thường cho người dân.

Nhiều người tỏ ra lo lắng trước thực tế này. Đại tá Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn: “Ngành Y tế thành phố đã có chính sách gì để thu hút nhân lực cho ngành?”. Còn Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong nêu rõ: “Hà Nội đang có 6,06 nhân viên y tế/10.000 dân, hơn gần 3 lần so với thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cần làm gì để giữ chân và tăng cường lực lượng nhân viên y tế, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp?”.

Tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân tại thành phố Hồ Chí Minh thấp so với cả nước.

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nêu, toàn thành phố hiện có 9.000 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng. So với các địa phương khác trên cả nước thì lực lượng này không ít. Tuy nhiên, do thành phố Hồ Chí Minh quá đông dân, nên tính theo tỷ lệ sẽ cho kết quả thấp. Theo quy định, phường, xã, thị trấn có trên 8.000 dân thì mỗi trạm y tế có 5 nhân viên; sau đó cứ tăng 2.000-3.000 dân thì thêm 1 biên chế và tổng không quá 10 người/trạm y tế.

“Thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, trong các bài học kinh nghiệm, có bài học kinh nghiệm về củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng. Cần sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm thu hút và đảm bảo nhân lực cho y tế cơ sở, các trạm y tế để hệ thống hoạt động hiệu quả”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng nói.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tăng trợ cấp cho nhân viên y tế để họ yên tâm công tác lâu dài.

Triển khai nhiều giải pháp

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp và tham mưu, đề xuất các cấp quyết định nhiều chủ trương giữ chân lực lượng nhân viên y tế; thu hút thêm nhiều người tham gia lực lượng này và làm sao để nhân viên y tế yên tâm công tác, đóng góp cho xã hội.

Cụ thể, trước mắt, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế, làm sao bác sĩ có thêm 1-1,5 lần lương tối thiểu vùng (tức là thêm khoảng 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng), điều dưỡng có thêm khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm: “Năm 2015, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chỉ từ 450.000-800.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này rất khó cho nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống cá nhân và hỗ trợ gia đình”.

Cùng với đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động trao đổi với nhiều trường đại học, phối hợp đề xuất cơ chế để bác sĩ mới tốt nghiệp về y tế cơ sở thực hành 12 tháng, về bệnh viện thực hành 6 tháng, sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Đề xuất này rất mới so với quy định hiện tại. Theo đó, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện của thành phố, của quận, huyện để thực hành 18 tháng thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. “Theo cách này, mỗi năm có 500 bác sĩ về cơ sở. Người mới ra trường có thực tế cọ xát tại địa phương, còn thành phố có lực lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại địa bàn xã, phường”, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế thu hút sinh viên y khoa mới ra trường về công tác tại y tế cơ sở nhiều hơn.

Nói thêm về đề xuất này, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Để bác sĩ yên tâm, chúng tôi cũng kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian bác sĩ xuống y tế cơ sở, với mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng (hơn 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng). Và bác sĩ cũng không phải đóng tiền thực hành cho cơ sở y tế”.

Về lâu dài, Sở Y tế thành phố xây dựng Đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó có nhiều đề xuất chính sách giữ chân nhân viên y tế, làm thế nào cho nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Quốc hội xem xét, phân biên chế cho trạm y tế không theo địa giới hành chính mà theo dân số.

Theo quy định hiện hành, mỗi trạm y tế cơ sở có định biên từ 5-10 người. Nhưng trên thực tế, dân số mỗi xã, phường, thị trấn là rất khác nhau. Có phường 18.000 dân, có phường 120.000 dân, thậm chí 140.000 dân. “Chúng tôi đề xuất về lâu dài, cứ 10.000 dân có 1 trạm y tế với 5 nhân viên. Trước mắt, tăng gấp đôi định biên nhân sự của trạm y tế cơ sở tối thiểu là 10, tối đa là 20 nhân viên y tế, mới đáp ứng được yêu cầu thực tế”, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nói.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dưỡng sức cho nhân viên y tế để chung sống lâu dài với Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.