(HNMO) – Một kẻ phá hoại chưa xác định hôm nay (27/4) đã đánh bom một đường ống dẫn khí của Ai Cập ở Sinai, khiến ngọn lửa bốc cao lên trời và buộc chính quyền phải cắt giảm nguồn cung cấp cho Israel và Jordan, một quan chức cho biết.
Vụ tấn công diễn ra vào lúc bình minh gần ngôi làng Al-Sabil thuộc vùng El-Arish, các quan chức an ninh nói và cho biết thêm rằng quả bom đã được kích hoạt từ xa.
Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập đã đưa tin về ngọn lửa cao tới 20 mét đã phát ra từ đường ống bị vỡ.
MENA cho biết, lực lượng vũ trang đã lập tức có mặt tại hiện trường nhưng cho đến nay vẫn chưa kiểm soát được ngọn lửa. Hãng thông tấn dẫn lời người dân địa phương cho biết, họ đã nghe thấy một tiếng nổ "lớn", tiếp đó là một quả cầu lửa khổng lồ.
Hiện không có báo cáo nào về thương vong.
Một phát ngôn viên của Bộ Cơ sở hạ tầng quốc gia Israel đã từ chối xác nhận liệu nguồn cung cấp khí gas cho Israel có bị dừng lại sau vụ nổ hay không.
Đường ống này trước đó đã bị phá hoại hôm 5/2 trong một cuộc tổng nổi dậy, buộc cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức hôm 11/2.
Nguồn cung cấp khí cho Israel và Jordan sau sự gián đoạn đó đã lại được tiếp tục vào ngày 16/3.
Vào lúc đó, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Israel Uzi Landau đã nói rằng, "khí là thành phần kinh tế quan trọng nhất của hiệp ước hòa bình giữa hai nước" được ký vào năm 1979.
Ai Cập cung cấp khoảng 40% khí gas tự nhiên cho Israel được sử dụng để sản xuất điện.
Để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Ai Cập, các quan chức Israel trước đó đã cho phép sử dụng các chất ô nhiễm nhiệt, bao gồm cả dầu mỏ, để tránh mất điện.
Vào tháng 4, sau cuộc lật đổ Mubarak, Hội đồng quân sự Ai Cập điều hành đất nước đã ra lệnh xem xét lại tất cả các thỏa thuận cung cấp khí đốt, bao gồm cả thỏa thuận với Israel vốn bị chỉ trích rộng rãi bởi phe đối lập.
Một số thành viên cũ của chế độ Mubarak, trong đó có hai bộ trưởng, được cho là đã bán khí đốt bất hợp pháp với giá thấp hơn thị trường cho Israel.
Ai Cập là nước Ả rập đầu tiên đã ký kết một hiệp ước hòa bình với Israel, một hành động được cộng đồng quốc tế ca ngợi, nhưng không phổ biến trong nhân dân Ai Cập, những người rất chỉ trích chính sách của Israel đối với người Palestine.
Jordan nhập khẩu khoảng 240 triệu feet khối khí đốt của Ai Cập mỗi ngày, tương đương 80% lượng điện năng cần thiết.
Sự gián đoạn trước đó đã khiến nền kinh tế Jordan thiệt hại 4,2 triệu USD mỗi ngày, Bộ trưởng Năng lượng Khalid Tuqan phát biểu lúc đó.
Một nhóm vũ trang Bedouin hồi tháng 6 năm ngoái đã đe dọa sẽ tấn công các đường ống dẫn khí, các quan chức an ninh cho biết, khiến chính quyền Ai Cập phải tăng cường an ninh xung quanh các đường ống và thiết bị đầu cuối.
Các mối quan hệ của cảnh sát với dân du mục cũ của khu vực này thường căng thẳng, bởi Bedouin phàn nàn về nạn sách nhiễu và phân biệt đối xử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.