(HNM) - Đường Mai Chí Thọ (trước gọi là Đại lộ Đông Tây, khu vực quận 2) đã được chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP (UCCI) khắc phục ít nhất ba lần, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng lún và trồi nhựa kéo dài hàng trăm mét, khiến dư luận và người dân bức xúc.
Doanh nghiệp vận tải kêu trời
Theo ghi nhận của phóng viên, một đoạn đường Mai Chí Thọ dài gần 1 km từ đoạn tiếp giáp với liên tỉnh lộ 25B kéo dài đến Xa lộ Hà Nội xuất hiện hàng loạt các vết trồi nhựa, lún thành từng rãnh sâu khoảng 10-20cm. Thậm chí, một số nơi, nhất là khu vực giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Định Của, mặt đường còn xuất hiện vô số "ổ gà" to tướng.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, lái xe container thuộc Công ty TNHH Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành bức xúc cho hay, tuyến đường này được xem là huyết mạch để xe tải đi vào cảng Cát Lái (quận 2). Mặt đường này lún đã nhiều lần, sau khi chủ đầu tư khắc phục xong thì y như rằng được vài tháng lại lún. Thế nên việc lưu thông rất chậm, trung bình tài xế cũng chỉ dám đạp ga với tốc độ 20 km/h dù đường vắng. Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải Công ty TNHH Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành cũng cho biết, doanh nghiệp có khoảng 200 lượt xe ra vào cảng Cát Lái mỗi ngày. Bởi chất lượng đường như vậy nên buộc xe chạy chậm, tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, gây bào mòn vỏ lốp xe, do đó thiệt hại về mặt kinh tế không thể tránh khỏi.
"Chúng tôi đã tiến hành nhiều lần lên Sở GTVT kiến nghị về tình trạng sụt lún, hư hỏng đối với mặt đường Mai Chí Thọ, nhưng đến nay cũng không có biến chuyển nhiều. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải mà còn có nguy cơ mất an toàn khi lưu lượng phương tiện qua lại rất cao, đặc biệt lưu thông vào ban đêm hay với những tài xế chưa quen đường". Ông Nguyễn Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP bức xúc!
Đến bao giờ mới hết lún?
Trong văn bản thông tin tới cơ quan báo chí ngày 19-10, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban UCCI cho biết, do việc thí nghiệm xác định cấp phối cần nhiều thời gian hơn dự kiến nên đến nay, quá trình sửa chữa khu vực trồi nhựa trên tuyến đường Mai Chí Thọ (khu vực giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Định Của, quận 2) vẫn đang ở cuối giai đoạn bước 1.
Cũng theo ông Phúc, quá trình nghiên cứu, xác định cấp phối tối ưu và sửa chữa triệt để khu vực trồi nhựa tuyến đường sẽ được tiến hành qua 3 bước. Bước 1 sẽ xác định các cấp phối đối chiếu, thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Bước 2, thi công thử nghiệm tại khu vực trồi nhựa và quan trắc diễn biến thực tế để xác định cấp phối tối ưu (từ 6 cấp phối thử nghiệm sẽ chọn ra 1 cấp phối tối ưu). Cũng căn cứ trên kết quả quan trắc này, quá trình xác định nguyên nhân, trách nhiệm sẽ hoàn tất. Bước 3, thi công chính thức tại khu vực trồi nhựa (sử dụng cấp phối tối ưu được chọn ở bước 2). Dự kiến thời gian hoàn thành bước 1 sẽ kết thúc vào ngày 23-10. Bước 2 sẽ được triển khai trong 6 ngày, từ 24 đến 29-10. Công tác quan trắc sẽ được thực hiện trong 60 ngày (khoảng ngày 29-12 hoàn thành). Sau khi hoàn tất bước 2, công tác thi công chính thức bước 3 sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, ông Phúc lại lưu ý rằng: "Tiến độ nêu trên có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả thí nghiệm ở bước 1…".
Như vậy trong văn bản mới nhất của UCCI vẫn chưa thể "chốt" thời hạn khắc phục triệt để tình trạng lún và trồi nhựa đường Mai Chí Thọ trong năm 2012. Trước đó, ông Lương Minh Phúc từng nói công tác khắc phục triệt để sẽ hoàn thành trong quý III-2012.
Chuyên gia lên tiếng
Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, giảng viên khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP, nhận định, đường Mai Chí Thọ được xây dựng trên vùng đất có địa chất yếu, khi làm nền đường các đơn vị thi công có thể không làm kỹ nền bằng các biện pháp móng bê tông hay cốt thép chắc chắn, trong khi nền đất tự nhiên bên dưới không ổn định. Do đó khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, lượng xe vận hành liên tục và có tải trọng nặng dẫn đến đường bị lún và trồi nhựa là tất yếu.
Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, hiện tượng lún vệt bánh xe mặt đường Mai Chí Thọ thường có nhiều nguyên nhân như: thiết kế hoặc thi công lớp mặt không đúng cấp phối; chất lượng lớp móng không bảo đảm hay có thể do nền đường yếu. Phương án xử lý của chủ đầu tư đang dựa vào giả thiết hư hỏng do lớp cấp phối mặt. Trình tự xử lý chia làm 3 bước là không sai, nhưng tiến độ tư vấn nghiên cứu quá chậm, đặc biệt là bước 1, so với những gì Ban quản lý đã thông báo tiến độ sửa chữa trước đây. Do quy mô tính chất đặc biệt của công trình nên cần kiểm tra kỹ năng lực và kinh nghiệm hoạt động của đơn vị tư vấn theo luật quy định.
Nhiều chuyên gia xây dựng giao thông cũng cảnh báo, nếu mặt đường lún liên tục như vậy thì việc khắc phục triệt để rất khó, bởi nền đất địa chất yếu. Do đó, cần phải tiến hành làm lại phần móng mới có thể khắc phục được hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.