Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dương cầm Việt hòa cùng thế giới

Yên Nga| 09/04/2010 06:37

(HNM) - Từ ngày 4 đến 13-9, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi piano quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - 2010

Cuộc thi piano quốc tế Việt Nam là cơ hội cho các bạn trẻ giao lưu, học hỏi với các tài năng thế giới. Trong ảnh: Vũ Đặng Nhật Minh từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano quốc tế.


- Giáo sư có thể cho biết lý do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam quyết định tổ chức cuộc thi này?
- Tổ chức một cuộc thi âm nhạc quốc tế không phải là việc quá sức đối với nước ta. Hơn nữa, 2010 là năm trọng đại, Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi; giới âm nhạc thì có sinh nhật lần thứ 200 của nhạc sĩ vĩ đại người Ba Lan Frederik Chopin. Chọn thi piano bởi đây là môn nghệ thuật tương đối cơ bản và phổ cập trên thế giới, dễ thu hút các tài năng tham dự. Theo tôi, cuộc thi thể hiện rõ nét sự hội nhập của âm nhạc Việt Nam với quốc tế và là cơ hội để các tài năng dương cầm trẻ nước ta hòa cùng bạn bè thế giới.

- Cách thức tổ chức như thế nào để đạt được tiêu chí của một cuộc thi tầm cỡ quốc tế, thưa Giáo sư?
- Ban tổ chức cũng dựa trên cách thức tổ chức các cuộc thi nổi tiếng trên thế giới với yêu cầu về thể loại, tính chất, trình độ… tuy có sự mở rộng hơn về điều kiện. Các thí sinh sẽ được chia thành 3 bảng theo độ tuổi để thi đấu (A: từ 10 đến 13 tuổi, B: từ 14 đến 17 tuổi và C: từ 18 đến 25 tuổi). Những tác phẩm dự thi (trong đó 50% tác phẩm của Chopin) đều rất quen thuộc nên các em không phải luyện tập nhiều. Ban tổ chức đã mời được NSND Đặng Thái Sơn làm Chủ tịch danh dự và Giám đốc nghệ thuật của cuộc thi. Ban Giám khảo gồm các giáo sư, nghệ sĩ uy tín đến từ nhiều quốc gia: Ôxtrâylia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Nam Tư…

- Thường một cuộc thi âm nhạc quốc tế phải được chuẩn bị trước ít nhất một năm. Nhưng từ nay đến ngày khai cuộc chỉ còn 5 tháng. Giáo sư có thể cho biết công tác chuẩn bị của Ban tổ chức như thế nào?

- Đúng là hơi gấp, nhưng Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch chi tiết và cố gắng thực hiện nghiêm túc để đem đến điều kiện thi đấu đạt tiêu chuẩn cho các thí sinh về nhạc cụ, phòng ốc, sinh hoạt… Khó khăn lớn nhất là việc thu hút được các thí sinh ở nhiều quốc gia tham dự. Hiện chúng tôi đã phát động thí sinh Việt Nam (trong và ngoài nước), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia… tham dự và sẽ còn tiếp tục thu hút các đối tượng ở châu Âu.

- Giáo sư đánh giá thế nào về thực lực các tài năng piano Việt Nam và cơ hội của họ trong cuộc thi này?
- Gần đây, piano Việt Nam đã có tín hiệu khả quan. Nhiều bạn trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước đã đạt giải cao ở các cuộc thi khu vực và quốc tế. Nhưng khó nói trước được cơ hội của các thí sinh Việt Nam, dù ta là chủ nhà cuộc thi. Tôi chỉ có thể khẳng định các tài năng được lựa chọn đủ tầm để đến với cuộc thi. Hy vọng với sự hướng dẫn của các giáo viên, quyết tâm và lợi thế "sân nhà", các em sẽ làm nên bất ngờ.

- Mỗi năm có hàng nghìn cuộc thi âm nhạc quốc tế lớn nhỏ diễn ra trên thế giới. Cuộc thi này dự kiến tổ chức 2 năm một lần. Làm thế nào để tạo được uy tín và thu hút nhiều tài năng tham gia, thưa Giáo sư?

- Phải tổ chức tốt, chuyên nghiệp cho lần đầu tiên mới có thể tạo dấu ấn và thu hút những tài năng có chất lượng. Trong lần thi này, chúng tôi nới rộng điều kiện tuổi tác thí sinh và không cần qua khâu duyệt băng... Quan trọng là nhiều người biết tới và tham gia. Sau này, khi cuộc thi vào nếp, các điều kiện cũng theo đó được chặt chẽ và có yêu cầu cao hơn để tiến gần đến những cuộc thi piano uy tín nhất thế giới.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dương cầm Việt hòa cùng thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.