(HNM) - Theo ngành chức năng, sản xuất công nghiệp (SXCN) và thương mại tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều này cho thấy đà tăng trưởng của SXCN và thương mại đang hồi phục mạnh sản xuất. Tuy nhiên, không thể chủ quan khi "được mùa", bởi giá trị SXCN tăng, nhưng chất lượng chưa cao và giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có xu hướng giảm.
"Được mùa" cả sản xuất và tiêu thụ
Bộ Công thương cho biết, giá trị SXCN tháng 4 ước đạt 62,67 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng 3 và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, giá trị SXCN ước đạt 236,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ (trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 10,3%, tư nhân: 12,7%, khu vực FDI:16,1%). Các khu vực kinh tế cũng như các ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá đồng đều, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 4 ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó XK của các doanh nghiệp (DN) trong nước ước đạt 2,61 tỷ USD, tăng 6,1%; DN FDI ước đạt 3,09 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của cả nước ước đạt 20,16 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD gồm dệt may: 3,04 tỷ USD, dầu thô: 1,78 tỷ, da giày: 1,36 tỷ, thủy sản: 1,28 tỷ, gạo: 1,12 tỷ, gỗ và sản phẩm gỗ: 1 tỷ. Nhập siêu 4 tháng đầu năm ước đạt 4,65 tỷ USD, chiếm khoảng 23,1% kim ngạch XK. Thị trường tiêu thụ trong nước từ đầu tháng 4 đến nay khá sôi động, đã đưa tổng mức bán lẻ đã tăng cao trong tháng 4, đạt khoảng 121,89 nghìn tỷ đồng, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (0,14%). Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ ước đạt 487,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, không ít DN đang đau đầu về tình trạng cấp điện không đều cho sản xuất. Trên thực tế có DN thép bị cắt điện 8 ngày/tháng; DN dệt may, da giày bị cắt điện tới 2-3 ngày/tuần, các vùng công nghiệp trọng điểm ở nhiều địa phương cũng đang thiếu điện nghiêm trọng... Về vấn đề này, đại điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khả năng cung cấp điện của tháng 5 sẽ tốt hơn do nguồn điện cung cấp từ một số nhà máy mới được đưa vào sử dụng. Tháng 4, tiêu thụ điện trung bình 276 triệu kwh điện/ngày. Từ ngày 10-5 cung cấp 280 triệu kwh điện/ngày và sẽ phấn đấu cung cấp ổn định hơn. EVN sẽ phối hợp đồng bộ với các DN sản xuất, các địa phương để có kế hoạch trong việc cấp điện và chấm dứt tình trạng cắt điện không báo trước, cắt điện dài ngày…
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Mức tăng của thị trường gần đây đã góp phần hạn chế tăng chỉ số giá tiêu dùng của tháng 4. Tuy nhiên, giá trị SXCN tăng, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, chỉ đạt 6%. XK tăng, song một số mặt hàng chủ lực, như gạo, thủy sản lại có dấu hiệu giảm giá so với năm 2009.
Theo Bộ Công thương, thời gian tới, các địa phương, các DN cần tập trung đẩy mạnh sản xuất và bình ổn giá. Để đạt được mục tiêu này, cần tăng XK để thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm nhập siêu. Với lĩnh vực nhập khẩu, phải xây dựng hàng rào kỹ thuật và sớm ban hành các quy định để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được. Đặc biệt, EVN cần khắc phục và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về cung cấp điện; huy động nguồn điện và cải thiện cung cấp điện trong tháng 5-2010. Thiếu điện do nhiều nguyên nhân kể cả chủ quan lẫn khách quan. Nếu thực sự thiếu điện sẽ phải tiết giảm, nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất ở mức cao nhất, đặc biệt phải ưu tiên cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu, các trường học, bệnh viện, trung tâm chính trị - xã hội.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và XK. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm các thị trường mới; theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.