Theo dõi Báo Hànộimới trên

Được mùa toàn diện

Chí Đạo| 03/06/2010 05:51

(HNM) - Ngày 2-6, tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân năm 2010 khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, Bộ NN&PTNT đánh giá, dù gặp khó khăn như ấm, nóng đầu vụ, hạn hán kéo dài, dịch bệnh hoành hành trên diện rộng… song, đến thời điểm này có thể khẳng định, đây là một trong những vụ lúa có sản lượng thóc đạt cao nhất từ trước đến nay.

Niềm vui được mùa.  Ảnh: Bá Hoạt

Diện tích, năng suất, sản lượng đạt kế hoạch

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ đông xuân này, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, diện tích, năng suất, sản lượng đều đạt, riêng diện tích vượt so với kế hoạch. Cụ thể, tổng diện tích của 2 vùng là 890 nghìn hécta, tăng gần 9 nghìn hécta so với vụ trước. Hầu hết các tỉnh đã thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy, Bắc Ninh đạt 102,4%; Hưng Yên 100,7%; Thanh Hóa 100,4%; Nghệ An 101,6%; Thừa Thiên Huế 100,6%… Hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch, dự kiến năng suất lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 63,7 tạ/ha, sản lượng ước 3,51 triệu tấn; Bắc Trung bộ đạt 57,7 tạ/ha, sản lượng 1,96 triệu tấn. Những địa phương năng suất lúa sẽ đạt cao là: Thái Bình 70,5 tạ/ha; Bắc Ninh 65,5 tạ/ha; Hà Nam 64 tạ/ha… Như vậy, ước tính chung cả 2 vùng, sản lượng thóc đạt gần 5,5 triệu tấn, tương đương vụ đông xuân năm 2009. Diện tích gieo trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng tăng từ 5 đến 15%. Trong khi đó, giá bán các sản phẩm này đang ở mức cao nên đã góp phần rất lớn tăng thu nhập cho nông dân. Theo Cục Trồng trọt, diện tích rau màu đạt 449,6 nghìn hécta, tăng 13,6 nghìn hécta (các cây trồng có diện tích tăng cao như đậu tương 5,1%; lạc 8,7%, rau đậu các loại 13,7%…

Lúa xuân muộn ở Hà Nội đạt hiệu quả cao

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy, đạt 101,1% và dự kiến, năng suất, sản lượng thóc sẽ đạt khá. Tính đến chiều qua (2-6), các địa phương trên địa bàn TP đã thu hoạch được hơn 40 nghìn hécta, đạt khoảng 45% diện tích. Nhiều địa phương đã thu hoạch gần xong như Sơn Tây đạt hơn 90%; Ba Vì 90%; Thạch Thất 80%… Theo nhận định, Hà Nội có diện tích gieo cấy lúa xuân muộn đạt cao (chiếm 95% tổng diện tích) nên sẽ cho năng suất, sản lượng cao vì đủ nguồn nước, thời tiết thuận lợi. Được biết, trà xuân muộn lúa trỗ tập trung từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 5, kinh nghiệm cho thấy đây là thời điểm lúa trỗ an toàn trong nhiều năm qua. Hơn nữa, từ cuối tháng 4 đến nay trời nắng đều, kết hợp có những trận mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông, vào chắc và chín. Ngoài ra, các huyện, thị xã cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng (vụ đông xuân 2010 Hà Nội đã gieo thẳng được hơn 5.000ha). Đáng nói, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thời tiết, bệnh dịch bùng phát, chính quyền các cấp trên địa bàn TP đã tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả như triển khai tốt việc lấy nước từ các đợt xả của hồ thủy điện để chống hạn; kiên quyết hủy mạ già và lùi thời vụ gieo cấy trước nguy cơ vụ xuân ấm; tập trung ngăn chặn tốt các dịch bệnh trên cây lúa như lùn sọc đen, lùn xoắn lá (vụ đông xuân năm nay bệnh lùn sọc đen đã lan ra 28 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp). Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đang tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, chuẩn bị tốt cho công tác thu hoạch vụ xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2010.

Nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Bá Hoạt

Sâu sát, quyết liệt, kịp thời


Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, có 4 điểm rút ra từ vụ đông xuân 2010 để đối phó tốt với dịch bệnh, sự phức tạp của thời tiết là cấy trà lúa xuân muộn với những giống có thời gian sinh trưởng ngắn đã khẳng định ưu thế; diện tích lúa lai tăng, cơ cấu giống phong phú, đạt năng suất cao và ổn định; diện tích lúa gieo thẳng được mở rộng đã nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất lúa; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng. Theo ông Quảng, diện tích gieo lúa xuân muộn của 2 vùng là 770 nghìn hécta, chiếm 86,4% tổng diện tích; diện tích lúa lai 287 nghìn hécta, chiếm 32,4% (tăng 4 nghìn hécta); diện tích gieo thẳng 160 nghìn hécta, chiếm 18% (tăng 10 nghìn hécta). Báo cáo của các địa phương tại hội nghị cho thấy, lúa lai sinh trưởng tốt, năng suất tăng từ 1 đến 1,2 tấn/ha so với lúa thuần; sản lượng lúa tăng thêm do sản xuất lúa lai 300 nghìn tấn thóc. Các kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", SRI, sử dụng hạt giống có phẩm chất tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo, làm mạ khay, chăm sóc mạ khỏe, cấy mạ non, cấy thưa 30-35 khóm/m2, bón phân sớm và tập trung… cũng đang dần trở thành tập quán canh tác của nông dân.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: "Đến thời điểm này có thể khẳng định, vụ đông xuân 2010 đã giành thắng lợi. Có được kết quả này là do chúng ta sớm phát hiện những khó khăn, có những giải pháp khắc phục cụ thể; công tác chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sát sao, tháo gỡ khó khăn kịp thời, tập trung thực hiện, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc"…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Được mùa toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.