(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, các DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu, phải đương đầu với nhiều thách thức về tài chính như thiếu vốn, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức cao, khan hiếm ngoại tệ, biến động tỷ giá…
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Cẩm Bình
Để có các giải pháp nhằm "giải" cơn thiếu vốn của DN, nhất là trong thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012, ngày 9-11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phối hợp tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các DN xuất nhập khẩu"…
Sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng, năm 2012, nền kinh tế nước ta sẽ gặp không ít khó khăn. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai sâu rộng các cam kết trong WTO, khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, bởi nền kinh tế phát triển thiếu bền vững, sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện, gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá, giá vàng biến động bất thường. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trì trệ, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi gây áp lực lớn.
Nền kinh tế nước ta còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như biến động chính trị ở nhiều quốc gia. Đó là, giá lương thực thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế có thể tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, khủng hoảng nợ công lan rộng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt có nguy cơ yếu hơn, trong đó có USD, EUR.
Bức tranh của nền kinh tế sẽ khiến không ít DN trong nước phải "dở khóc, dở cười". DN sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, thiếu vốn, lãi suất quá cao, tỷ giá ngoại hối không ổn định. Dự báo, trong năm 2011, lạm phát của nước ta lên tới 19%. Việc Chính phủ đặt ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 dưới 20% khiến DN gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu vốn không được đáp ứng. Bài toán thiếu vốn đặt ra cho các DN những thách thức trong việc mở rộng kế hoạch kinh doanh hay thực hiện những hợp đồng từ nước ngoài, bởi lãi suất quá cao, đồng thời giá nguyên vật liệu đắt đỏ.
DN sẽ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước nói riêng, kinh tế thế giới nói chung còn gặp nhiều khó khăn, theo nhiều chuyên gia, các DN, đặc biệt là DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hoặc tham gia xuất khẩu, cần có những chủ động phân tích và sẵn sàng nhiều kịch bản thích ứng. DN cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất - nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ kinh doanh trong khả năng và có triển vọng thị trường tốt nhất cho từng thời kỳ và phạm vi kinh doanh. Ngoài ra, DN nên chủ động công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, tăng cường liên doanh liên kết, chủ động xây dựng và thúc đẩy hoạt động tự tái cấu trúc toàn diện, mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, nâng cấp khả năng quản trị thông minh…
Để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn cạnh tranh hơn, SeABank dành 3.000 tỷ đồng cho khách hàng là DN xuất nhập khẩu. SeABank sẽ có nhiều ưu đãi về vốn, lãi suất, phí dịch vụ. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31-1-2012, giảm 30% phí thanh toán cho DN nhập khẩu, giảm 1,5% lãi suất vay so với biểu lãi suất hiện hành cho DN xuất khẩu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, mức giảm trừ sẽ được áp dụng cho đến hết thời hạn khoản vay của khách hàng. Ngoài ra, SeABank giảm 50% phí chuyển tiền trong nước khi DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SeABank. Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc SeABank cho biết, chương trình ưu đãi sẽ giúp cho DN xuất nhập khẩu tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn, như hệ thống tiện ích dịch vụ hiện đại. Đây là chương trình trọng điểm của SeABank để tiến gần hơn mục tiêu là ngân hàng bán lẻ thân thiện, đồng hành cùng DN Việt.
Nhiều ngân hàng khác trong hệ thống đang có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn cho DN, trong đó ưu tiên DN xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn, cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ. Đó là, giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, bảo đảm vốn cho sản xuất, kiểm soát chặt cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Tăng cường quản lý nhà nước về giá, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi tăng giá bất hợp lý, tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường, thực hiện công khai, minh bạch giá hàng hóa này, có cơ chế hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.