(HNM)_ Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội. Phố phường khang trang hơn. Không khí nhộn nhịp hơn. Một số công trình tương đối bề thế chắc chắn sẽ chưa xuất hiện nếu không có dịp kỷ niệm, đã hiện diện.
Trong sự chờ đợi có phần háo hức ấy, người Hà Nội mong được thấy trở lại nếp hào hoa, thanh lịch vốn có từ xa xưa, nếp sống văn minh từng chiếm ưu thế ở đất đế đô từ sau năm 1954, ngay cả lối sống nhân văn trong những năm chiến tranh gian khổ vừa qua. Nếp sống giàu văn hóa, giàu phẩm giá ấy sẽ hòa cùng những đổi mới trong hạ tầng đô thị, trong mở mang phố phường để từng bước hình thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, hòa bình. Trong niềm ao ước ấy, có một chuyện tưởng nhỏ nhưng lại thiết thực và rất có ý nghĩa: giảm hút và giảm ô nhiễm môi trường Thủ đô vì thuốc lá.
Hà Nội (chỉ tính phần nội đô) có gần 2 triệu người, chưa kể hàng chục vạn người qua lại mỗi ngày. Theo một cuộc điều tra xã hội học, có 56% nam giới vị thành niên và trưởng thành ở nước ta hút thuốc. Nếu vậy, số người hút thuốc ở Hà Nội ước khoảng 50 vạn. Với số người ấy, bình quân mỗi người hút 10 điếu thôi thì một ngày, Hà Nội tiêu thụ 25 vạn bao thuốc các loại. Chưa tính số tiền đốt vào thuốc, mỗi ngày các quận nội đô vốn đã chật chội, thiếu không khí vì khí thải ô tô, xe máy, bếp than tổ ong và vô số lò đốt khác gây ra, còn phải hứng chịu một lượng khói thuốc khổng lồ từ nửa triệu điếu thuốc. Không chỉ khói, còn một lượng rác rất lớn từ thuốc lá. Người Hà Nội dường như đã mất thói quen dụi tàn thuốc vào cái gạt tàn. Chỉ trừ vài nơi, khắp các phố phường đâu cũng gặp mẩu thuốc. Nhiều mẩu thuốc nhất là ở rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động, công viên, các tụ điểm ăn uống, bia bọt. Chỉ một trận mưa, gần 100 điểm ngập nước của Hà Nội sẽ dềnh lên dòng nước cống ngầu đục, lềnh bềnh bao ni lông và mẩu đầu lọc thuốc lá.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng đó? Có lẽ đã quá lâu, chúng ta buông lỏng việc quản lý buôn bán và hút thuốc lá. Mặc dù Nhà nước đã cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức nhưng các kiểu quảng cáo khôn khéo vẫn tồn tại, từ các đoàn xe máy sơn màu vỏ bao Mallbro, các đội tiếp thị "chân dài" trong các khách sạn, quán ăn đồng loạt quần áo, túi xách, bật lửa quà tặng mang màu vỏ bao 555 đến những lời chúc mừng năm mới của các nhà sản xuất thuốc lá trên các trang báo. Không chỉ thế, Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán thuốc lá, chỉ tính những cửa hàng có tủ kính quảng cáo các loại thuốc nội ngoại thôi, đã cả vạn, chưa kể khách sạn, quán ăn, hàng nước… hàng vạn nữa. Ở những cửa hàng chuyên bán thuốc lá, người ta thả sức kẻ biển, trưng bày, nhiều khi ngay ở những nơi bên Hồ Gươm (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), Hồ Tây và hồ Trúc Bạch (đường Thanh Niên), ga Hà Nội (đường Trần Quí Cáp, Nguyễn Khuyến) đông khách du lịch và người qua lại và quanh (thậm chí là trong) các trường học, bệnh viện, điểm vui chơi công cộng. Không chỉ khói pháo sáng, trong các trận bóng đá, sân vận động luôn mù mịt khói thuốc lá, nhưng đội quân bán thuốc lá lẻ vẫn tiếp tục đến từng hàng ghế để cung cấp thêm nữa cho các "con nghiện".
Quảng cáo len lách vào từng nhà, mạng lưới bán lẻ dày đặc, việc mua thuốc lá quá dễ dàng. Khách hàng mua thuốc không bị hạn chế lứa tuổi, không phải xuất trình bất kỳ thứ giấy tờ y tế nào, không bị hạn chế số lượng, không bị cấm mua thuốc lá lậu. Có quyền tự do mua đi bán lại kiếm lời mọi loại thuốc, vô hình trung đã khiến mạng lưới bán lẻ thuốc lá ngày càng phát triển. Giá thuốc lá ở nước ta lại quá rẻ, không là gì với người có tiền đã đành, chỉ cần bớt ăn sáng, học sinh phổ thông cũng có thể mua được thuốc hút. Tuy thế, việc tăng giá thuốc lá như nhiều nước đã làm nhiều năm qua vẫn gặp sức cản khi còn không ít người cho rằng tăng giá thuốc lá sẽ giảm số người hút, ảnh hưởng tới các nguồn thu từ bán thuốc. Phải chăng vì thế mà số người nghiện là trẻ vị thành niên, phụ nữ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây?
Một vấn đề liên quan trực tiếp đến nếp sống văn hóa hơn cả, đó là việc hút thuốc. Hút thuốc ở nơi công cộng (đã bị cấm nhưng chưa có chuyển biến đáng kể), hút thuốc trong phòng làm việc có điều hòa không khí, hút thuốc trong gia đình mình khi có nhiều trẻ nhỏ, hút thuốc chỗ đông người… đều là những thói quen xấu nhưng chẳng mấy khi bị nhắc nhở. Cấm hút thuốc ở nơi công cộng nhưng thực hiện như thế nào, ai có quyền cấm, ai có quyền phạt… vẫn là vấn đề chưa được cụ thể hóa. Vẫn biết, phạt nặng là biện pháp răn đe có hiệu quả nhưng trong điều kiện Việt Nam, phạt bao nhiêu là đủ sức răn đe như trong giao thông chẳng hạn? Vì thế, để có thể tiến tới một xã hội không khói thuốc, rất cần một phong trào rộng rãi tẩy chay hút thuốc lá.
Người dân mong ước trong hàng chục chương trình dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có những chương trình cấm bán thuốc lá, không khói thuốc lá. Người dân cũng mong nội dung không hút thuốc lá được đưa vào tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa", "Cụm dân cư văn hóa". Hà Nội sẽ có những bệnh viện không khói thuốc, những công sở không khói thuốc, những đền chùa không khói thuốc, những đường phố không mẩu thuốc để tiến tới không khói thuốc.
Từng bước nhưng chắc chắn, không đầu voi đuôi chuột, kiên trì và quyết tâm, người Hà Nội sẽ giảm hút thuốc lá, thành phố sẽ xanh, sạch, đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.