Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng vì quá lo mà bỏ cơ hội phòng bệnh

Nguyễn Ngọc| 24/12/2012 06:18

(HNM) - Giới chuyên môn cũng nhiều lần khẳng định, không có loại vắcxin nào an toàn, tuy nhiên hàng loạt sự cố tai biến sau tiêm chủng đã khiến tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh giảm đáng kể trong những năm qua.


Có phản ứng không mong muốn…


Liên tiếp thông tin về trẻ tử vong sau tiêm vắcxin ở các địa phương trong những ngày qua khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng. Gần đây nhất là 3 cháu bé 3 tháng tuổi ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tử vong sau tiêm vắcxin "5 trong 1" trong đợt tiêm chủng mở rộng ngày 7-12.


Với việc tiêm chủng, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã giảm.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Trưởng ban Điều hành dự án tiêm chủng mở rộng, mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ sinh ra và được tiêm chủng 11 loại vắcxin. Nhưng thống kê cho thấy, năm 2009 cả nước có 10 ca tai biến nặng, 7 ca tử vong nhưng chỉ có 3 ca trong số đó được xác định có liên quan đến tiêm chủng. Năm 2010, có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm phải nhập viện, 10 tử vong, 7 ca không liên quan đến tiêm chủng. Năm 2011 có 17 trường hợp nhập viện, 10 tử vong và đã xác định 13 ca không liên quan tiêm chủng. Năm 2012, có 12 ca nhập viện sau tiêm chủng và 9 ca tử vong.

Theo dõi trẻ tại cơ sở tiêm chủng 30 phút sau tiêm
Tiêm chủng phải đầy đủ đúng lịch mới có hiệu quả cao nhất. Khi đi tiêm chủng, các bà mẹ phải thông báo cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của con để cán bộ y tế khám sàng lọc, hoãn tiêm với trường hợp có bệnh cấp tính, phản ứng nặng với mũi tiêm trước. Cán bộ y tế phải có trách nhiệm khám phân loại sàng lọc, hoãn tiêm với những trẻ ốm, sốt. Sau tiêm, cần theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, sau đó hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn phân tích, những ca này không liên quan đến tiêm chủng. GS.TS Nguyễn Trần Hiển lý giải, trẻ tử vong do liên quan đến tiêm chủng có thể vì cơ thể phản ứng quá mẫn cảm hoặc kích ứng với kháng nguyên lạ. Bởi cũng như các dược phẩm hay thực phẩm khác, vắcxin là một loại thuốc nên có những phản ứng không mong muốn. Ngoài ra với trẻ nhỏ, đôi khi là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo thống kê, mỗi năm có 22.500 trẻ dưới 1 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân. "Có thể tại thời điểm xảy ra các phản ứng sau khi tiêm chủng đứa trẻ đã bị phát bệnh mà chưa có biểu hiện rõ ràng" - GS.TS Nguyễn Trần Hiển tiên lượng.

Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hữu, khi số ca mắc bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng giảm thì người dân sẽ cân nhắc giữa vấn đề tai biến và tiêm chủng. Quả thực, việc xảy ra những vụ tai biến nặng sau tiêm chủng từ 2007 đến nay đã khiến nhiều người lo lắng và ngại cho trẻ đi tiêm chủng. Ví như việc tiêm vắcxin phòng viêm gan B. Sau khi xảy ra một loạt phản ứng sau tiêm chủng loại vắcxin này vào năm 2007, dù đã có kết luận không liên quan đến tiêm chủng nhưng tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ 24h sau sinh đã giảm mạnh, có năm chỉ đạt 20% số trẻ sơ sinh.

Nhưng giá trị bảo vệ cao

Chia sẻ những lo lắng của các bậc phụ huynh về tai biến sau tiêm vắcxin, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: "Không có vắcxin nào bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tại nhiều quốc gia phát triển cũng có tỷ lệ tai biến nhất định". Nhưng ông cũng đưa ra lời khuyên: Không nên vì một số ca phản ứng nặng do cơ thể quá mẫn cảm với vắcxin (do cơ địa phản ứng với vắcxin chứ không phải do chất lượng vắcxin hoặc bất cẩn trong quá trình tiêm chủng) mà ngừng tiêm chủng để "đẩy" hàng chục triệu trẻ em, thậm chí cả thế hệ tương lai, đứng trước nguy cơ mắc nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Hơn nữa, với hàng chục triệu mũi tiêm trên những cơ địa khác nhau nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ tai biến liên quan đến vắcxin thấp hơn các nước. "Đơn cử, tỷ lệ phản ứng nặng sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại Việt Nam là 0,5/1.000.000 ca, trong khi đó tỷ lệ do Tổ chức Y tế thế giới công bố là từ 1-2/1.000.000 ca, vắcxin sởi là 1/1.000.000" - GS.TS Nguyễn Trần Hiển dẫn chứng.

Về mối lo ngại độ an toàn của vắcxin "5 trong 1", theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, chưa có bằng chứng nào cho thấy nguy cơ tai biến khi tiêm vắcxin phối hợp sẽ cao hơn vắcxin đơn lẻ. Vắcxin "5 trong 1" do Hàn Quốc sản xuất được đã được hàng chục nước trên thế giới sử dụng, không có phản ứng nặng và Việt Nam đã đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2010. TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, Hà Nội triển khai tiêm loại vắcxin này từ tháng 6-2010 và đến nay đã có gần 1 triệu liều được tiêm cho khoảng hơn 300 ngàn trẻ dưới 1 tuổi. Chỉ có một trường hợp sốc sau tiêm nhưng được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi hoàn toàn hồi phục.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Nhờ tiêm chủng mà tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã giảm hàng trăm lần. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm một nửa. Chúng ta đã thanh toán được nhiều bệnh lý nguy hiểm như uốn ván sơ sinh, ho gà và tiến tới loại trừ sởi trong năm 2012…". Rõ ràng, tỷ lệ phản ứng không mong muốn sau tiêm rất thấp so với giá trị bảo vệ mà vắcxin mang lại.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn từ chiều 21-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu tạm dừng sử dụng lô vắcxin "5 trong 1", trên toàn quốc. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu văn phòng công ty sản xuất vắcxin trên tại Việt Nam phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối gửi thông báo tạm dừng sử dụng lô vắcxin trên tới các đơn vị. Đồng thời yêu cầu báo cáo về tình hình nhập khẩu và quá trình phân phối vắcxin trên về Cục Quản lý dược trước ngày 25-12.

Ông Vi Văn Ái, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vừa cho biết, ngoài 3 trẻ tử vong tại xã Châu Quang (Bộ Y tế đã thông báo chính thức) còn có thêm bé Vi Trung Thịnh, 3 tháng tuổi, cùng tiêm vắcxin trên vào ngày 7-12, tới ngày 17-12 tử vong và bé Hồ Thị Linh Đan, 3 tháng tuổi, tiêm vắcxin ngày 10-12, ngày 12-12 thì tử vong.


Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã lấy mẫu lô vắcxin trong kho của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kiểm tra. Vắcxin mà 5 trẻ tiêm là vắcxin Quinvaxem của Hàn Quốc, nhập vào Việt Nam từ tháng 7-2010 với 500.000 liều. Trong đó, Nghệ An nhập 30.000 liều và đã đưa về 32 địa phương, đơn vị để tiêm cho trẻ. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An còn khoảng 250 liều

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng vì quá lo mà bỏ cơ hội phòng bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.