(HNM) - Những ngày gần đây, căng thẳng giữa Belarus và Liên minh Châu Âu (EU) lại tiếp tục bùng phát và cảnh báo nguy cơ phát sinh một cuộc chiến ngoại giao khi EU triệu hồi tất cả đại sứ thành viên ở Belarus để tham vấn; đồng thời trục xuất các nhà ngoại giao Belarus ra khỏi thủ đô các nước thành viên EU nhằm trả đũa việc Minsk trục xuất đại sứ EU và Ba Lan hôm 28-2.
Động thái trả đũa lẫn nhau này diễn ra trong bối cảnh EU đang gia tăng các biện pháp trừng phạt chính phủ của Tổng thống Alexander Lukashenko với lý do tiếp tục tiến hành các vụ đàn áp phe đối lập.
Tổng thống Belarus A. Lukashenko và Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton liên tục đưa ra những tuyên bố làm căng thẳng thêm quan hệ Belarus - EU. |
Nhiều năm qua, mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Belarus và EU đã không còn là chuyện lạ. Bất đồng liên quan tới vấn đề dân chủ, nhân quyền thực chất chỉ là cái vỏ. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ Belarus là một "chướng ngại" khó lay động nhất trong công cuộc Đông tiến của phương Tây. Kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, Mỹ và EU liên tục đưa ra nhiều phương sách nhằm chiếm lĩnh không gian ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, mọi chiến lược mà phương Tây vận dụng khá thành công tại nhiều nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) lại hầu như vô tác dụng tại Belarus. Sau khi Tổng thống A.Lukashenko với đường lối thân Nga lên nắm quyền vào năm 1994, phương Tây đã đổ không ít tiền của nhằm hậu thuẫn phe đối lập với một mục tiêu duy nhất là dựng lên một chính quyền tách khỏi quỹ đạo Mátxcơva. Tuy nhiên, 4 nhiệm kỳ liên tiếp đã trôi qua, nhà lãnh đạo này vẫn vững vàng ở vị trí tổng thống với tỷ lệ tín nhiệm mà nhiều nhà lãnh đạo phải "ao ước". Đây là kết quả của một thời kỳ cầm quyền dựa trên sự công bằng, thái độ gần gũi nhân dân và quan trọng hơn cả là những biện pháp chống tham nhũng quyết liệt.
Trên thực tế, lựa chọn đối lập với phương Tây cũng khiến Minsk chịu nhiều sức ép, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, cần sự hợp sức của nhiều quốc gia. Song, công bằng mà nói, cũng nhờ sự cứng rắn này mà Belarus không phải trải qua những thăng trầm của làn sóng "cách mạng màu sắc" từng làm khuynh đảo nhiều quốc gia trong không gian "hậu Xô viết" như: Ukraine, Georgia, Kyrgyzstan, Uzbekistan. Sự ổn định đất nước là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Belarus tăng trưởng nhiều năm liền với tốc độ cao, có lúc lên tới 10%. Thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần.
Bên cạnh đó, Tổng thống A.Lukashenko luôn biết cách khai thác và duy trì lợi thế quan hệ truyền thống với nước láng giềng Nga. Hai năm trở lại đây, một vài "nút thắt" đã xuất hiện trong quan hệ song phương xung quanh vấn đề trung chuyển dầu mỏ, tuy nhiên cả hai bên đều nhận ra "vận mệnh" gắn liền với nhau vì lợi ích ở tầm chiến lược. Nga coi Belarus như bức tường thành tự nhiên làm chậm bước tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong công cuộc Đông tiến, còn Belarus lại dựa vào Nga trong lĩnh vực kinh tế và ổn định chính trị trước con mắt "dòm ngó" của phương Tây. Vì vậy, Belarus quyết định tham gia trở lại hoạt động của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) với đầy đủ quyền hạn; đồng thời cùng Nga, Kazakhstan thỏa thuận thành lập Không gian kinh tế thống nhất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa ba nước và mở ra những triển vọng mới về đầu tư cũng như góp phần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế Á - Âu.
Có điều, căng thẳng Belarus - EU sẽ kéo theo các đồng minh của cả hai phía là Nga và Mỹ vào cuộc. Sự khác biệt trong thái độ của Washington và Mátxcơva về vấn đề Belarus sẽ cộng thêm một chướng ngại vào danh sách những bất đồng có nguy cơ hủy hoại quá trình lập lại mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.