Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng tiếp tay cho tham nhũng vặt

Đà Đông| 06/03/2012 06:47

(HNM) - Tham nhũng vặt đang có mặt trong nhiều lĩnh vực, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và phổ biến đến mức có chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo: Đừng để nó trở thành một thứ


Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, tham nhũng vặt là một đặc điểm của tệ tham nhũng ở Việt Nam. Đáng lo ngại là nó đang diễn ra phổ biến dưới rất nhiều hình thức khác nhau và trong hầu hết mọi lĩnh vực. Không chỉ là phí bôi trơn, tiền lót tay, "cảm ơn lại quả" - những cái dễ nhận thấy, tham nhũng vặt còn đến từ những điều rất nhỏ mà ít người để ý: đi ăn, mua hàng mà không lấy hóa đơn giá trị gia tăng để được giảm giá 10%; vi phạm giao thông, xin được "làm luật" đưa tiền trực tiếp rồi đi ngay để khỏi phải lên cơ quan thuế nộp phạt; đến bệnh viện, ngay từ phòng đăng ký khám, nhiều người sẵn sàng chi ra một ít tiền để khỏi phải xếp hàng… Những việc trên hầu như mỗi chúng ta đều chứng kiến hay gặp hằng ngày, nó diễn ra thường xuyên đến mức nhiều người chấp nhận sống chung mà không ý thức rằng mình đang tiếp tay cho tham nhũng.

Trường học, nơi vẫn được coi là trong sáng, song những nghiên cứu gần đây cho thấy, tham nhũng trong giáo dục cũng tồn tại như bất kỳ lĩnh vực nào khác. Đó là gian lận trong việc thực hiện các chức năng như tuyển sinh, cho điểm, công nhận tốt nghiệp; lạm dụng tình dục, không công bằng trong điểm số, đạo văn; trốn thuế và gian lận trong sử dụng tài sản công. Để chọn trường cho con, các bậc phụ huynh sẵn sàng chi một khoản tiền, còn giáo viên cũng "vô tư" nhận vì đây là một việc làm phổ biến. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Hướng tới minh bạch cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, có tới 30 đến 50% thanh niên được khảo sát cho biết sẵn sàng tham nhũng hoặc hối lộ nếu điều đó mang lại lợi ích cho bản thân. Còn một kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 59% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải mất phí "bôi trơn"; 41% thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương để được tạo điều kiện kinh doanh, làm ăn thuận lợi.

Thay vì thỏa hiệp, cần ngăn chặn

Để tham nhũng vặt, không ít cán bộ, công chức sẵn sàng làm sai quy định hoặc lạm quyền để trục lợi. Trong phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có chỉ rõ: Tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân là điều đáng lo ngại và cũng là nguy cơ lớn đối với Đảng cầm quyền. Đã có không ít bài báo, chương trình, đề án chỉ rõ những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay và đưa ra nhiều biện pháp cảnh báo ngăn ngừa tham nhũng. Song dường như chúng ta chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền tới người dân - những người trực tiếp tham gia tiếp tay cho các hành vi tham nhũng vặt. Bởi không ít người trong chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng hối lộ, "làm hư" cán bộ để việc của mình "chạy" nhanh.

Muốn khắc phục tình trạng này, công tác tuyên truyền đặc biệt quan trọng bởi để thay đổi thói quen, nếp nghĩ là điều không hề đơn giản. Những tác động từ văn hóa cư xử, hành vi, nhận thức của người dân với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng hiện nay chưa cao. Vì vậy, tâm lý sẵn sàng thỏa hiệp, tiếp tay cho tham nhũng vặt cần được hạn chế tối đa. Thời gian qua, đã có nhiều vụ án nhận và đưa hối lộ được đưa ra xét xử nhưng nếu đem so sánh thì tỷ lệ cán bộ, công chức nhà nước phải nhận hình phạt lại cao hơn số người tiếp tay, đưa hối lộ. Đã đến lúc chúng ta cần xử lý nghiêm cả các trường hợp đưa hối lộ.

Tham nhũng vẫn được ví như giặc nội xâm. Trong "cuộc chiến" với vấn nạn này, sự nỗ lực của cán bộ, công chức nhà nước chưa đủ mà sự vào cuộc của người dân là rất quan trọng. Nếu người dân phát huy vai trò giám sát, nâng cao ý thức công dân, kiên quyết không tiếp tay cho hiện tượng hối lộ, tham nhũng, chắc chắn "tham nhũng vặt" không thể trở thành một thứ "văn hóa" trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng tiếp tay cho tham nhũng vặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.