Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng “thêm bát cho đủ mâm”

Hà Phong - Thanh Ngọc| 02/06/2012 07:04

(HNM) - Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2020 có khoảng 4.300 luật sư (LS); 5 tổ chức hành nghề LS có quy mô từ 50 đến 100 LS hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.


Đó là khẳng định của đa số thành viên Đoàn LS TP Hà Nội. Theo LS Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Văn phòng Luật Đào và đồng nghiệp, trong điều kiện nền kinh tế đã hội nhập thế giới, việc phát triển đội ngũ LS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là hết sức quan trọng. Điều này càng cần thiết hơn khi từ ngày 1-7 tới, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực. Theo đó, quyền khởi kiện vụ án hành chính của các tổ chức, cá nhân được mở rộng hơn. Người khiếu nại có thể thực hiện việc khởi kiện để tòa án giải quyết vụ án hành chính sau khi làm thủ tục khiếu nại lần đầu hoặc khiếu nại lần hai nhưng không đồng ý với kết quả của cơ quan tiếp nhận, xử lý. Đây là cơ hội để nghề LS "giành được chỗ đứng vững chắc" trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước, dần tiến tới "bằng bạn bằng bè" trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự, giúp cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà phát triển LS ồ ạt theo hướng "thêm bát cho đủ mâm".

Chiến lược phát triển LS do Sở Tư pháp đề xuất vào cuối tháng 5-2012 đề ra mục tiêu: đến năm 2015, phấn đấu phát triển thêm 1.000 LS. Như vậy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 4.300 LS, thì vấn đề đáng lo ngại là liệu rồi chất lượng LS có theo kịp với số lượng LS được đào tạo ra hay không? Ông Đào Ngọc Chuyền càng băn khoăn hơn khi năm 2015, Hà Nội đặt mục tiêu có 5 tổ chức hành nghề LS quy mô từ 50 đến 100 LS, bởi đến thời điểm hiện nay (năm 2012), vẫn chưa có tổ chức hành nghề LS nào có quy mô đến 50 LS.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Kim Sinh, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội cũng cho rằng, làm gì cũng phải căn cứ vào thực tế. Không thể cứ tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành luật, tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ LS tại Học viện Tư pháp, thi lấy chứng chỉ hành nghề, xin gia nhập Đoàn LS, chưa tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp đã vội vàng mở văn phòng riêng, rồi gây ra rất nhiều vụ việc làm tổn hại đến uy tín của giới LS, như vụ việc 16 LS thuộc Đoàn LS Hà Nội bị xóa tên do nợ phí thành viên nhiều năm xảy ra mới đây. Thực tế cũng cho thấy, một số LS non tuổi nghề, khi tư vấn pháp luật cho người dân trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hay chế độ, chính sách của thương binh, liệt sỹ, chưa tìm hiểu hết các văn bản pháp luật mới ban hành, dẫn đến tình trạng "xui" người dân khiếu kiện vượt cấp; cá biệt có LS còn vi phạm pháp luật… Do đó, không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng.

Đặt mốc phấn đấu theo từng giai đoạn nhỏ

LS Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng LS Phúc Thọ cho rằng, trong chiến lược phát triển LS, việc đưa ra giải pháp thực hiện theo từng giai đoạn nhỏ hết sức quan trọng. Phải có lộ trình chi tiết, cụ thể, không thể hô hào khẩu hiệu, chung chung. Chẳng hạn, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề LS, cần phải quy định rõ các tiêu chuẩn để thành lập tổ chức hành nghề. Đặc biệt, phải có cơ chế động viên các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật đặt chi nhánh ở nước ngoài mới có thể mở mang kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của nghề nghiệp. Do đó, chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội ngoài mục tiêu nâng số lượng, phải bảo đảm 100% số lượng LS được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Từ đó, mới có thể chọn những nhân tố điển hình và bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng này.

Bà Trương Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá cao ý kiến đóng góp của các LS trong việc hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển. Cũng theo bà Trương Thị Nga, thời gian qua, phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức của Việt Nam phải thuê LS nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đây là một thực tế rất đáng phải suy nghĩ. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát chất lượng, quy mô các tổ chức hành nghề LS và sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện về cơ chế, nguồn lực… để hỗ trợ các "thầy cãi" phát triển nghề nghiệp của mình. Vấn đề là các LS, các tổ chức hành nghề LS thực hiện như thế nào?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng “thêm bát cho đủ mâm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.