Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đúng quy trình, bảo đảm quyền lợi người dân

Thúy Nga - Hưng Thịnh| 14/03/2014 06:00

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 18-1 đăng bài:



Sau đó, UBND xã Bình Yên phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Thạch Thất tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm, đã có quyết định thu hồi đất tại thôn Vân Lôi, nằm trên khu vực quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, gần đây có thông tin việc cưỡng chế thực hiện không đúng quy trình, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, tan nát cả một làng cổ, tạo tâm lý và dư luận không tốt ở địa phương.

Hiện trường vụ cưỡng chế xây dựng tại thôn Vân Lôi.


Thực hiện đúng quy trình

Như Báo Hànộimới số ra ngày 18-1 đã đưa tin, chỉ trong thời gian ngắn (cuối năm 2013, đầu năm 2014), tại thôn Vân Lôi, xã Bình Yên đã xảy ra 59 trường hợp xây dựng công trình trên đất đã có quyết định thu hồi, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng. Ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết, các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi dự án tái định cư Nam tỉnh lộ 84 thuộc địa bàn thôn Vân Lôi (giai đoạn I) phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu công nghệ cao Hòa Lạc được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt tại Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 27-7-2007 và Quyết định thu hồi đất

số 727/QĐ-UBND ngày 1-4-2008. Đến nay, dự án này đã GPMB được 28,7ha/36,5ha và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích đã bàn giao. Tháng 11-2013, Thanh tra Xây dựng huyện và UBND xã Bình Yên kiểm tra tại đây đã phát hiện 8 hộ xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất đã có quyết định thu hồi. Trước tình hình đó, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và xã Bình Yên lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ nhưng vi phạm vẫn tràn lan. Theo lãnh đạo UBND huyện, mục đích chính của việc xây dựng công trình trái phép tại thôn Vân Lôi là để kê khai lấy tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án. Vì vậy, sau một thời gian tuyên truyền vận động, thuyết phục, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và xã Bình Yên xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm. Theo ông Lê Văn Mão, trước khi tống đạt các quyết định cưỡng chế, các đoàn thể xã, chi bộ thôn Vân Lôi… đã tập trung tuyên truyền vận động người dân tháo dỡ vi phạm và đã ký cam kết bằng văn bản. Nhiều hộ dân cũng đã ký cam kết tự tháo dỡ công trình. Do vậy, không thể nói các hộ dân không được tuyên truyền, vận động, yêu cầu tháo dỡ vi phạm đã bị cưỡng chế. Mặt khác, ngoài việc tống đạt các quyết định cưỡng chế với sự chứng kiến của nhiều người, ngày 22-1, UBND xã còn có thông báo đến các hộ dân gia hạn thời gian tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, mới có 14 hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, 32 hộ mới tháo dỡ một phần công trình. Việc xã Bình Yên áp dụng biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật là đúng trình tự quy định.

Bảo đảm quyền lợi người dân

Ông Lê Văn Mão khá bức xúc trước thông tin cho rằng, quá trình cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Vân Lôi đã đẩy hàng trăm người dân vào cảnh không chốn nương thân. Thực tế, đối với 13 hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở có đơn xin kéo dài thời gian để tự tháo dỡ công trình vi phạm; xã Bình Yên cũng đã đề nghị UBND huyện Thạch Thất cho phép thời gian tới kết hợp vừa kiểm đếm, đền bù, tái định cư. Riêng thông tin về ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khuyết bị đập nát tan hoang trong buổi sáng 24 Tết là hoàn toàn không có cơ sở bởi theo ông Mão: Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khuyết ở thôn Vân Lôi đã qua đời. Mảnh đất trước đây Mẹ sinh sống, người cháu đã nhận thừa kế và trồng cây. Tại đây, người cháu đã xây dựng tường bao vi phạm trật tự xây dựng buộc xã phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, UBND xã đã trích ngân sách hỗ trợ 5 hộ gia đình thuộc diện bị cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng mỗi hộ 1 triệu đồng để bảo đảm 100% các hộ dân có Tết.

Ông Lê Văn Mão cho biết, sau khi tổ chức cưỡng chế, UBND xã đã kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, thẳng thắn nhận rõ những thiếu sót như: cán bộ thôn biết sự việc vi phạm nhưng không báo cáo…, chính quyền xã cũng thiếu giám sát nên không phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh dẫn đến phải tổ chức cưỡng chế tốn kém công sức. Đây cũng là bài học đắt giá cho việc quản lý đất đai ở địa phương.

Được biết, xã Bình Yên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhiều gia đình trong việc hiến đất đai, tiền của. Vì vậy, để xảy ra sự việc trên là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, các hộ dân cần vì lợi ích chung, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tái vi phạm để giữ nghiêm kỷ cương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đúng quy trình, bảo đảm quyền lợi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.