(HNM) - Trong tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có liên quan đến sinh hoạt thường ngày của người dân, trong đó có việc điều chỉnh thời gian học của HS.
Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô. Nhưng giải pháp ấy sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham gia của ngành giáo dục bằng cách giảm số lượng HS trái tuyến.
Việc nhiều học sinh trái tuyến cũng góp phần đáng kể vào tình trạng tắc đường ở khu vực nội đô Hà Nội. Ảnh: Nam Khánh |
Tắc đường vì đi học xa nhà
Người Hà Nội không lạ gì cảnh tắc đường. Ngay gần khu vực Hồ Gươm, con phố Nhà Chung dù ngắn, dù nhỏ song có tới 4 ngôi trường cùng án ngữ nên cứ ngày hai bận, cảnh bố, mẹ chở con cái sau xe cố gắng nhích từng đoạn đường để đưa - đón là chuyện thường thấy. Khổ nỗi, bố nào, mẹ nào cũng muốn đưa con vào tận sát cổng trường, thế nên càng đông, càng tắc. Lại có không ít phụ huynh đỗ xe ô tô tùy tiện, "ngoạm" mất không ít phần đường. Cách đó không xa, người dân phố Quang Trung cũng quen gặp cảnh này vào giờ tan tầm khi các bố, các mẹ hối hả chờ đón con ở hai trường mầm non và tiểu học nằm kề nhau.
Vì sao trẻ phải đi học bằng xe ô tô, xe máy? Một trong nhiều căn nguyên là do học trái tuyến, xa nhà. Theo quy hoạch mạng lưới trường học, mỗi phường đều có hệ thống trường học công lập từ mầm non, tiểu học, đến THCS để bảo đảm quãng đường HS mầm non tới trường không quá 1km, tiểu học không quá 3km và THCS không quá 5km. Thế nhưng, không ít HS hiện nay lại đi học khá xa. Nhiều gia đình không có hộ khẩu tại quận Hoàn Kiếm song cũng cố gắng mọi cách để cho con theo học tại những trường gọi là "điểm" trên địa bàn. Tình trạng này cũng thường thấy ở nhiều quận khác, đặc biệt tập trung ở khu vực nội thành. Tuy thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội sau mùa tuyển sinh năm học 2010-2011, toàn TP còn khoảng 10% HS học trái tuyến (gồm gần 10.000 HS lớp 1 và 7.800 HS lớp 6), nhưng con số ấy chưa phản ánh đầy đủ áp lực của việc đưa con đi học xa nhà lên mạng lưới giao thông. Tỷ lệ này được tính trên tổng số học sinh toàn thành phố nên nó cho cảm giác là nhỏ. Trên thực tế, học sinh trái tuyến chỉ tập trung ở một số quận và không hiếm trường ở khu vực Đống Đa, Hai Bà Trưng, tỷ lệ HS trái tuyến hằng năm luôn chiếm tới 50%, trong đó, có cả trái tuyến quận và trái tuyến phường.
Thực tế, học ở gần nhà có nhiều cái tiện. Việc sử dụng xe máy hoặc ô tô sẽ không nhất thiết phải cần tới khi con em học gần nhà. Quãng đường ngắn, ông bà cũng có thể đưa đón con cháu mà không phụ thuộc vào bố mẹ. Cha mẹ, HS cũng không mất nhiều thời gian, công sức trên quãng đường từ nhà tới trường.
Tuyển sinh theo nơi cư trú
Nhiều năm qua, trong công tác tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội đã kiên trì chủ trương "3 tăng, 3 giảm" trong đó có 1 "giảm" là giảm số HS trái tuyến, nhất là trái tuyến khác quận nhằm góp phần hạn chế số lượng người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường. Một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả là tuyển sinh theo địa chỉ cư trú thực tế của HS, chứ không nhất thiết phải theo căn cứ là hộ khẩu thường trú. Cách làm này vừa tránh được những hành vi tiêu cực trong chuyện "chạy" hộ khẩu, vừa giảm vất vả cho phụ huynh khi phải
đưa - đón con xa. Những HS ở tình trạng "người một nơi, hộ khẩu một nẻo" cũng có thể yên tâm chọn trường gần nhà mà không lo mất suất vì trái tuyến.
Hà Nội hiện có 2.311 trường học các cấp, hầu hết bảo đảm tại mỗi phường, xã, thị trấn đều có một hệ thống trường công lập từ mầm non, tiểu học đến THCS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân tại địa bàn. Với hơn bốn chục phường chưa có trường công lập hiện nay, phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã đó có trách nhiệm phân tuyến tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đây không phải là việc mới đối với các phòng GD-ĐT. Tuy nhiên, yêu cầu mới của thực tế đòi hỏi việc rà soát đối tượng HS cần chính xác hơn, các tiêu chí để phân tuyến tuyển sinh cũng phải rõ ràng hơn, hợp lý hơn.
HS Thủ đô không thiếu chỗ học. Tính trung bình toàn TP, sĩ số HS/lớp đối với khối lớp 1 là 34,6 trong khi Điều lệ trường tiểu học là 35 HS/lớp; tỷ lệ này ở khối lớp 6 là 35,2, thấp hơn nhiều so với quy định của Điều lệ là 45 HS/lớp. Song do nhiều nguyên nhân, sĩ số HS/lớp giữa các trường có sự chênh lệch đáng kể. Căn nguyên một phần là nguyện vọng của phụ huynh chỉ tập trung ở một số trường mà "thương hiệu" thường được họ tự gắn mác và truyền tai nhau. Khảo sát của thanh tra Chính phủ ở hai cấp tiểu học, THCS cho thấy, có đến 71% số phụ huynh sẵn sàng tìm mọi cách xin cho con học trái tuyến để được vào trường tốt. Rõ ràng là nếu "điều chỉnh" được số này thì tình trạng HS đi học khác phường, khác quận sẽ giảm. Nếu học gần nhà, nhiều em có thể tự đến trường, bố mẹ cũng bớt vất vả, căng thẳng trong việc đưa - đón.
Bộ GTVT đang nỗ lực để giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và điều này có thể trở thành hiện thực nếu được ngành GD-ĐT chung tay. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã thể hiện sự nhất trí cao với việc thay đổi giờ học. Nhưng giải pháp này tuy đúng mà chưa đủ. Để giảm số người tham gia giao thông vào một thời điểm - giờ đưa con tới trường - cần phải giảm số lượng HS trái tuyến. Vậy đây chính là cơ hội để ngành GD-ĐT Hà Nội mạnh dạn giảm số lượng HS trái tuyến để chung tay cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.