(HNM) - Chiều tối 16-12, trong làn mưa cùng cái lạnh tê tái, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố đã rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ.
Giao thông hỗn loạn, hệ thống đèn tín hiệu tại một số nút giao thông không hoạt động, ô tô dàn hàng ngang khiến người điều khiển xe máy phải luồn lách, lao lên vỉa hè kiếm chỗ trống để di chuyển… Nhìn cảnh đó, những người có ý thức tuân thủ luật lệ giao thông lắc đầu ngán ngẩm khi luôn chịu cảnh thiệt thòi, chỉ mong sao có bóng dáng cảnh sát giao thông…
Trên thực tế, chuyện kể trên không có gì mới. Không chỉ khi thời tiết trở lạnh mà hầu như cứ có mưa xuống là giao thông thành phố luôn rơi vào tình trạng như vậy. Ngay cả ở những tuyến đường vốn được coi là trục giao thông xương sống như Nguyễn Trãi - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài hay Kim Mã - Daewoo… hằng ngày, ngay cả giờ cao điểm thì giao thông cũng chỉ ùn ứ nhưng mưa xuống, mọi chuyện khác hẳn, tắc nghẽn có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào, vào bất cứ thời điểm nào.
Do vậy, có người đặt ra câu hỏi: Không lẽ cảnh sát giao thông của chúng ta chỉ làm việc trong điều kiện thời tiết thuận lợi?
Khảo sát cụ thể, có thể thấy chuyện không hoàn toàn như thế. Tại nhiều nút giao thông quan trọng, trên nhiều tuyến đường, không chỉ trong giờ hành chính, không chỉ khi trời tạnh ráo… vẫn luôn có cảnh sát giao thông chốt chặn hoặc tuần tra kiểm soát để xử lý vi phạm. Và ở những địa điểm như thế (đặc biệt là một số khu vực thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm) chả bao giờ có cảnh ùn tắc giao thông. Nhưng rõ ràng khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là lúc trời mưa thì lực lượng cảnh sát giao thông thừa hành nhiệm vụ lại quá mỏng nên không đủ sức duy trì tình hình trật tự trên các tuyến đường. Cùng trong thời điểm đó, dường như ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện cũng bị… chùng xuống, ai nấy đều tranh thủ "chớp thời cơ", chả người nào chịu nhường người nào. Bên cạnh đó, hệ thống đèn tín hiệu khi có mưa xuống như bị "chập mạch", "dở dở ương ương, mệt lúc nào nghỉ lúc đó"… Thế nên tất cả các phương tiện mạnh ai nấy chạy, chả còn làn đường, luồng đường, cũng không còn những tuyến đường "kiểu mẫu" mà khi trời khô ráo, cánh đi xe máy có rẽ phải mà quên đèn xi nhan hoặc cánh lái ô tô chưa kịp chuyển đúng làn đường là lập tức bị dừng xe, bắt lỗi. Do đó, giao thông hỗn loạn cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, như đã nêu, vấn đề ở chỗ tình trạng đó hoàn toàn không mới song luôn lặp đi lặp lại. Như vậy, chuyện ở đây là việc bố trí lực lượng chức năng làm nhiệm vụ duy trì trật tự giao thông cũng như duy trì hoạt động của hệ thống tín hiệu giao thông hiện nay đã là hợp lý? Có lẽ giải pháp để giải quyết vấn đề này không quá khó nhưng dường như chưa được những người có trách nhiệm có sự quan tâm đúng mức. Và người đi đường mỗi khi trời mưa vẫn mong ngóng sự xuất hiện của cảnh sát giao thông để duy trì trật tự hoặc tốt nhất là… ông trời đừng đổ nước xuống hạ giới, nhất là vào giờ tan tầm, giờ cao điểm để thử thách con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.