(HNM) - Nhắc đến ông chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1973), ở thôn Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, những người dân địa phương đều chia sẻ niềm vui với anh, người đã đứng lên sau những lầm lỡ thời trai trẻ.
Nguyễn Văn Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em, nên được bố mẹ nuông chiều từ bé. Ngay từ những ngày còn cắp sách đến trường, bị một số bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, Anh không chịu lo học hành làm ăn, sớm lao vào con đường ăn chơi, đua đòi. Lúc đầu chỉ đam mê cờ bạc, rượu chè rồi mắc nghiện ma túy lúc nào không hay.
Sau những cơn "phê" thuốc, có lúc nghĩ lại, thấy cha mẹ ngày thêm cao tuổi, kinh tế gia đình ngày một đi xuống, các em gái đến tuổi đều đi lấy chồng, là con trai duy nhất mà trở thành gánh nặng cho gia đình, anh thấy ân hận lắm. Mới tí tuổi đầu mà sức khỏe giảm sút, dân làng đồn thổi không những anh bị nghiện mà còn bị nhiễm HIV/AIDS. Nghĩ vậy anh càng thêm xấu hổ và quyết tâm dứt bỏ ma túy.
Năm 2000, được sự động viên, tạo điều kiện của cộng đồng và sự cưu mang đùm bọc của gia đình, người thân, Nguyễn Văn Anh đến Trung tâm Cai nghiện bắt buộc số 5 ở huyện Ba Vì. Tránh xa được đám bạn bè hút sách, Anh quyết tâm cai nghiện để làm bố mẹ yên lòng và khẳng định lời đồn thổi nhiễm HIV/AIDS là không đúng. Sau 5 năm tập trung cai nghiện, Anh đã chiến thắng "cái chết trắng", trở về với gia đình, cộng đồng để làm lại cuộc đời.
Sẵn có nghề mộc truyền thống, lại được học thêm ở Trung tâm Lao động xã hội, Nguyễn Văn Anh đã đề xuất với gia đình vay vốn mở xưởng mộc cùng làm với một số anh em họ hàng. Chỉ sau vài tháng, xưởng của anh đã tạo được uy tín, chất lượng mẫu mã đẹp nên hàng bán rất chạy. Tiếng lành đồn xa, một số anh em trong làng tìm đến xin vào làm tại xưởng. Sau một thời gian có vốn liếng, Nguyễn Văn Anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất làm thêm một số mặt hàng gỗ cao cấp như giường, tủ, bàn ghế và ký được hợp đồng với các chủ hàng lớn.
Sau 5 năm, xưởng mộc không chỉ mang lại sự giàu có cho gia đình Anh, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng. Hằng tháng, doanh thu từ xưởng mộc đạt trên 50 triệu đồng. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, Nguyễn Văn Anh còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, túng thiếu ở địa phương. Dân làng ai cũng khen Nguyễn Văn Anh đúng là "có chí thì nên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.