Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng lãng phí một giải pháp hay

Võ Lâm| 05/09/2016 06:29

(HNM) - Tháng 3-2014, sau khi thí điểm thành công ở hai quận Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì, quy chế

Hiệu quả rõ khi làm điểm

Quy chế "mẫu" thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội soạn thảo gồm 5 chương, 14 điều. Trong đó, quy định chi tiết nội dung, hình thức công khai về công trình xây dựng; nội dung, hình thức nhân dân tham gia góp ý kiến với các cấp có thẩm quyền về quản lý TTXD; nội dung, hình thức nhân dân giám sát quản lý TTXD… Trên cơ sở đó, các cấp dựa vào tình hình, đặc điểm của địa phương mình để xây dựng quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD phù hợp và triển khai thực hiện. Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, Hà Nội là địa phương đầu tiên chọn thực hiện quy chế dân chủ trong công tác quản lý TTXD ở xã, phường, thị trấn. Đây là sáng kiến rất đúng và trúng, đáng được cả nước học hỏi triển khai thực hiện.

Công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Lê Tuấn


Tính ưu việt của quy chế “mẫu” đã được khẳng định qua thực tiễn vận dụng tại hai quận Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, cả hệ thống chính trị đã quan tâm, tham gia vào công tác quản lý TTXD, nhất là đã phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng. Không chỉ nâng tỷ lệ cấp phép xây dựng lên đến 98-100%, hai quận Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì còn giảm được khoảng 7% số trường hợp vi phạm TTXD trong thời gian áp dụng mô hình. Đáng chú ý, thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD còn góp phần nâng cao ý thức tự giác, tạo nền nếp tuân thủ các quy định về TTXD của tổ chức và cá nhân.

Từ kết quả thực hiện thí điểm, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ TP Hà Nội chỉ đạo triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu cho biết, việc triển khai quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD ở cơ sở bước đầu đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến công tác quản lý TTXD ở cơ sở, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, nâng cao chất lượng công tác quản lý TTXD, hiệu quả CCHC, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của chính quyền trong quản lý TTXD ở cơ sở. Tỷ lệ xây dựng có phép ngày càng tăng, tiêu biểu như các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, huyện Thường Tín…

Hiệu quả giảm khi nhân rộng

Mặc dù có hiệu quả bước đầu, song quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD khi được triển khai nhân rộng đã không đem lại chuyển biến rõ nét như khi thực hiện thí điểm tại hai quận Long Biên, Hà Đông và huyện Thanh Trì trước đây. Tìm hiểu tại một số quận, huyện cho thấy, có cán bộ dân vận nắm không chắc, thậm chí mơ hồ về nội dung này. Có nơi không phải Ban Dân vận quận, huyện ủy chủ trì việc xây dựng quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD ở cơ sở mà giao hẳn cho UBND cùng cấp. Theo chỉ đạo, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, định kỳ giao ban rút kinh nghiệm việc chỉ đạo và thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD, nhưng yêu cầu này chưa được thực hiện thường xuyên ở một số quận, huyện, nhất là cấp xã, phường. Hiệu quả của quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD thậm chí còn có nguy cơ “mai một” ở ngay tại những địa bàn đã làm thí điểm là Long Biên, Hà Đông và Thanh Trì. Hà Đông và Thanh Trì là hai trong số 10 quận, huyện diễn biến vi phạm TTXD phức tạp được UBND thành phố chỉ đạo tổ công tác liên ngành tập trung kiểm tra, xử lý từ ngày 1-9 đến 15-9.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay, Ban Dân vận Thành ủy mới đây khẳng định: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị một số nơi nhận thức chưa đầy đủ, chưa đề cao trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có quy chế thực hiện dân chủ trong quản lý TTXD ở cơ sở. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 10.000 công trình, Thanh tra Sở Xây dựng đã phát hiện và đề xuất hình thức xử lý vi phạm đối với gần 1.600 công trình. Số tiền xử phạt vi phạm tăng 82% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, mọi địa phương đều diễn ra vi phạm trật tự xây dựng. Lãnh đạo Thành ủy cũng chỉ rõ, tình hình vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra phổ biến, trong khi sức mạnh giám sát của người dân chưa được phát huy.

Thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý TTXD ở cơ sở là giải pháp hay, đã đến lúc cần được các cấp ủy đảng quan tâm hơn, giữ vai trò chủ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh nhân dân giải quyết vấn đề này. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo đã được Thành ủy Hà Nội thể hiện rõ trong Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 14-1-2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng lãng phí một giải pháp hay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.