Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng là thầy kém, hãy là thợ giỏi!

Anh Thư| 24/07/2013 07:58

(HNM) - Các đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013 vừa kết thúc để lại những niềm vui, hy vọng lớn và cả sự lo lắng, trăn trở đối với thí sinh và các bậc phụ huynh. Nếu kết quả không được như ý, còn lối đi nào cho tương lai phía trước?


Giảng đường đại học là mơ ước của tất cả mọi người nhưng đây không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Điều đó ai cũng hiểu, cũng nghe nhiều nhưng không phải ai cũng dám nhìn nhận thẳng thắn năng lực bản thân và đủ dũng cảm để chọn lựa một lối đi riêng. Phần lớn chúng ta chỉ chọn học cao đẳng, trung cấp, học nghề khi cánh cổng đại học đã hoàn toàn đóng lại. Tâm lý "phải vào bằng được đại học" xuất phát từ quan niệm một chiều về chuyện "thầy - thợ", coi trọng những người học cao, làm lãnh đạo mà quên đi vai trò hết sức quan trọng của những người "làm thợ".

Sinh viên Trường iSpace giao lưu với MC Thanh Bạch chủ đề “Hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân”.


Cùng với việc gia tăng trường đại học và bùng nổ các hình thức từ đại học tại chức đến đào tạo từ xa, học online cho người bận rộn…, vấn nạn "thiếu thợ" lại càng trở nên trầm trọng. "Vầng hào quang" từ cổng trường đại học quá lớn, đến nỗi không ít bạn phải cố "bám víu" vào một ngành học mà mình không hề yêu thích, miễn là có tấm bằng để rồi loay hoay tìm việc trong thất vọng khi ra trường vì đã đầu tư hời hợt cho quá trình học tập, cho chính sự nghiệp của mình.

Thiếu thợ nhưng có thừa thầy?

Chúng ta trân trọng những người "làm thầy" bởi trình độ, hiểu biết và khả năng dẫn dắt tập thể của họ nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận rằng chính những người làm thợ mới là bộ phận trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Nếu không có những người thợ, kế hoạch của các nhà lãnh đạo có lẽ sẽ phải nằm trên giấy rất lâu. Chuyện thiếu thợ trong những năm qua là một sự thật chưa tìm được lối ra.

Tuy nhiên, với hiện trạng đại học mọc lên như "nấm sau mưa" và chạy đua tìm người học, còn chất lượng đào tạo lại rất đáng bàn cãi khi số đông sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc thì rõ ràng "thầy" cũng chẳng hề thừa. Việc các cử nhân đại học khi tốt nghiệp lại quay sang học nghề cũng không phải hiếm. Nguyên nhân lớn nhất là do chương trình đào tạo cử nhân còn nặng về lý thuyết trong khi nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và sự nhạy bén với công việc. Học nghề giúp người học tiếp cận và làm quen với công việc ngay từ đầu nên dễ dàng áp dụng vào thực tế hơn.

Làm "thợ giỏi" với iSpace

Xu hướng của các trường hiện nay là kết hợp với doanh nghiệp cùng đào tạo, vừa giúp người học cập nhật kiến thức thực tiễn vừa tạo đầu ra ổn định cho sinh viên. Tiên phong đi theo hình thức này, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ thông tin (CNTT) iSpace là một trong những đơn vị điển hình. Thế mạnh CNTT được trường áp dụng triệt để vào quá trình dạy - học lẫn thi cử. Không chỉ sử dụng chính công nghệ của doanh nghiệp để đào tạo, giúp sinh viên nhanh chóng làm quen công việc thực tế mà iSpace còn mời lãnh đạo doanh nghiệp về giảng dạy và sát hạch chuyên môn lẫn kỹ năng nghề cho sinh viên tốt nghiệp. Phương pháp đào tạo thực hành - trải nghiệm - trực quan được xem là điểm nhấn của iSpace.

Mỗi chương trình đào tạo tại trường đều được thiết kế với tối thiểu 500 giờ làm việc, phân bố đều trong mỗi học kỳ. Đây là cơ hội để sinh viên rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm làm việc dưới sự hướng dẫn của chính doanh nghiệp. Theo đó, sinh viên của trường được giảng dạy qua phương tiện, máy móc thật do doanh nghiệp cung cấp thay vì mô hình và được thao tác trực tiếp trên máy để nắm rõ bài học.

Bên cạnh đó, nhà trường còn định kỳ tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, tập huấn kỹ năng phỏng vấn, giao lưu với người nổi tiếng và doanh nhân thành đạt. Những hoạt động này hướng đến đào tạo sinh viên một cách toàn diện về cả chuyên môn lẫn kỹ năng mềm để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mùa tuyển sinh 2013 năm nay, trường đang xét tuyển 700 chỉ tiêu với cam kết có việc làm ngay sau đúng 2,5 năm đào tạo, với 4 nghề đang "hot" hiện nay: An ninh mạng, thiết kế đồ họa, lập trình ứng dụng Mobile và quản trị mạng theo hướng an ninh mạng.

Nguyên tắc của một xã hội cân bằng là phải có cả thầy lẫn thợ. Mỗi thành phần đều có vai trò riêng và không thể thay thế. Nếu phải lựa chọn giữa việc làm một người thầy kém để rồi hụt hơi giữa một xã hội đang phát triển và thay đổi từng ngày với việc làm một người thợ giỏi để nắm chắc sự nghiệp trong tầm tay, bạn sẽ chọn cách nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng là thầy kém, hãy là thợ giỏi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.