(HNM) - Câu chuyện "học sinh Hà Nội hút shisha" đã làm "dậy sóng" dư luận suốt mấy ngày vừa qua.
Ban đầu, những hình ảnh trong "phóng sự truyền hình" dài 3 phút với cái tít khá giật gân là "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha" được phát sóng trên kênh VTC 14 ngày 27-3, đã khiến rất nhiều người rơi vào trạng thái bức xúc, lo lắng; nhất là những nhân vật chính trong clip, vốn được quay rõ mặt, rõ cả logo nhà trường, phụ huynh và cả giáo viên của các em.
Việc dư luận bức xúc, lo ngại trước những hình ảnh học sinh phổ thông hồn nhiên nhả khói "thuốc lào Ả rập", hồn nhiên trả lời phỏng vấn "hút cho vui mồm" cũng dễ hiểu. Không ít người còn cho rằng, ít nhiều đây cũng là hồi chuông báo động về lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ học đường, rằng sự quản lý lỏng lẻo của các bậc phụ huynh có con em xuất hiện trong clip và nhà trường của các em là rất đáng phê phán.
Song sự việc không chỉ dừng ở đó. Sau khi "phóng sự truyền hình" được phát sóng, những học sinh lớp 11 trong clip đã rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí hoảng loạn trước áp lực dư luận. Trong nỗ lực thanh minh trên facebook, các em cho rằng các em chỉ tham gia "diễn" trên clip theo lời giải thích (của phóng viên) là nhằm để cảnh báo các bạn khác về việc hút shisha. Không chỉ cho biết việc được phóng viên gợi ý hút shisha và trả lời phỏng vấn, các em còn đưa ra những tin nhắn được cho là của phóng viên gửi cho nhóm học sinh trước buổi ghi hình, trong đó yêu cầu các em mặc đồng phục trường và hứa sẽ làm mờ phù hiệu trường khi phát sóng...
Như vậy diễn biến sự việc đã theo hướng khác. Và điều này đã thực sự gây "bão" trong dư luận!
Trước hết, phải khẳng định việc những người thực hiện "phóng sự truyền hình" đã quay rõ mặt và phù hiệu nhà trường mà không được sự đồng ý của các em và nhà trường nơi các em đang theo học đã vi phạm quy định về việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, tổ chức mà việc sử dụng hình ảnh có thể gây tổn hại đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức đó (Điều 31, Bộ luật Dân sự). Và nếu phản ánh của các em về việc clip bị dàn dựng là đúng sự thực thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đáng nói là việc dàn dựng clip (nếu có) với đối tượng phản ánh là các em học sinh phổ thông là điều không thể chấp nhận được. Ở lứa tuổi học đường còn trong trắng ngây thơ, là đối tượng dễ bị tổn thương nên các em khó có thể vượt qua cú sốc tâm lý trước "bản án" cùng búa rìu dư luận mà cái "phóng sự" dối trá kia mang lại. Thêm nữa, một sự việc như thế chắc chắn không chỉ tác động đến các em mà còn khiến nhiều người trong giới trẻ đánh mất niềm tin vào người lớn, đánh mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội. Và đó cũng là một lý do quan trọng khiến dư luận mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương làm sáng tỏ sự việc.
Cũng cần phải nói rằng, đây không phải lần đầu dư luận bức xúc về cách làm "ăn không nói có", dàn dựng sự kiện làm sai lệch thông tin... nhằm mục đích giật gân, câu khách của một bộ phận báo chí, truyền thông. Nhiều người hẳn chưa quên thông tin "nông dân xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội đu dây qua sông" đã làm nóng dư luận hồi tháng 8 năm ngoái, sự thực chỉ là chuyện người dân sử dụng dây cáp để chở chuối từ bãi giữa Sông Hồng vào bờ. Tương tự, phóng sự "Ai chắp cánh cho thần chết" có hình ảnh hai tài xế, một người cụt hai chân, một người cụt cánh tay đến tận nách vẫn bươn bả lái xe mưu sinh được phát trên Đài PT-TH Bình Định. "Hay" đến nỗi không những "ẵm" luôn giải báo chí chất lượng cao của tỉnh này mà sau đó phóng sự còn được phát lại trên VTV1! Đặc biệt là bài học từ vụ việc một phóng viên rơi vào vòng lao lý vì đã dàn dựng, gài bẫy CSGT "ăn" hối lộ từ mấy năm trước đến nay vẫn còn nóng hổi.
Chính vì lẽ đó mà vụ việc "học sinh hút shisha" chắc chắn sẽ là bài học đáng nhớ đối với những người làm báo. Đó cũng là lời nhắc nhở sâu sắc về ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp - những yếu tố quan trọng để góp phần định hướng thông tin dư luận và giữ vững niềm tin của độc giả, nhất là giới trẻ, vào đội ngũ những người "thư ký của thời đại".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.