(HNM) - Nếu không hành động ngay từ bây giờ sẽ quá muộn! Một vị lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH đã nói như vậy về tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) hiện nay.
Theo một thống kê của Cục An toàn vệ sinh lao động, tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 3.454 vụ TNLĐ, 3.505 người bị nạn, thiệt hại gần 40 tỷ đồng; trong đó, số vụ gây chết người là 258... Và, có một thực tế là số người nhập viện do TNLĐ ở các địa phương thường lớn hơn rất nhiều con số được báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH. Những con số nêu trên cho thấy, TNLĐ ở nước ta đã vượt xa những cảnh báo nguy hiểm, do vậy, bên cạnh những giải pháp ngăn chặn mang tính tình thế thì việc xây dựng một hành lang pháp lý để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về vấn đề này là hết sức cần thiết.
Vì sao TNLĐ ở nước ta lại nhiều như thế? Có nhiều nguyên nhân, như: người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động... Nhưng có lẽ đáng nói nhất chính là công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động hiện nay vẫn rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói đang bị buông lỏng. Một thực tế được các nhà quản lý nêu ra: Số người làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chỉ có khoảng 400, trong khi cả nước có tới hơn 700.000 doanh nghiệp nên chỉ có thể "cưỡi ngựa xem hoa", làm cho có, thậm chí làm xong để đấy. Bởi lẽ sau khi kiểm tra, nếu doanh nghiệp "quên luôn" thì cũng bó tay, vì không có người giám sát, đôn đốc việc khắc phục vi phạm. Thế nhưng, để bổ sung lực lượng cho hoạt động này không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh bộ máy hành chính tiếp tục phình to đè nặng lên ngân sách nhà nước.
Sau những vụ TNLĐ nghiêm trọng là những cái chết thương tâm, là con mất cha, vợ mất chồng, là những thương tật, di chứng, những tổn thất nặng nề về kinh tế... Nhưng rất đáng buồn vì miếng cơm, manh áo nên nhiều người vẫn tiếp tục phải chấp nhận làm việc trong môi trường không an toàn và thiếu các phương tiện bảo hộ lao động. Và đáng nói hơn, có nhiều người do thiếu hiểu biết vẫn "vô tư" làm việc trong môi trường mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào… Có lẽ đáng nói nhất, mặc dù có rất nhiều vụ TNLĐ gây chết người, nhưng rất ít chủ sở hữu lao động bị truy tố trước pháp luật... Thực tế đó nói lên điều gì? Sự vô cảm của các nhà quản lý, sự thiếu hiểu biết của người lao động hay luật pháp chưa đủ sức răn đe đối với những chủ sử dụng lao động bất chấp tính mạng người lao động?
TNLĐ đang rình rập ở hầu hết các ngành nghề như khai thác khoáng sản, xây dựng, luyện kim... và đang diễn ra từng ngày, mang đau thương đến với nhiều gia đình. Đừng để mọi sự quá muộn! Ngay thời điểm này cần tạo ra một môi trường pháp lý đủ mạnh, buộc doanh nghiệp phải tăng cường các biện pháp bảo hộ lao động. Bên cạnh đó là những chế tài để xử lý nghiêm khắc trách nhiệm của những người để xảy ra TNLĐ. Một bộ luật về an toàn vệ sinh lao động với tầm bao quát, tính khả thi cao sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống không chỉ hạn chế những hệ lụy không thể đo đếm bởi TNLĐ gây ra đối với nền kinh tế và toàn xã hội, mà còn tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.