Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để là phép cộng đơn thuần

An Trân| 06/08/2011 05:41

(HNM) - Chủ trương

Đồng thuận về mặt chủ trương, song không ít ý kiến cho rằng dù được tổ chức theo mô hình nào thì cái đích chung cần hướng đến là nâng cao chất lượng xét xử, xây dựng nền tư pháp gần dân, tránh gây khó khăn cho người dân khi tham gia tố tụng.

Thành lập tòa án khu vực cần phải giải bài toán nơi nhiều việc, nơi thảnh thơi.



Tăng cường đội ngũ, khắc phục sự dàn trải

Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra mục tiêu hệ thống tòa án sẽ được tổ chức theo cấp xét xử gồm: tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, mô hình TAND huyện, thành phố, thị xã tương đương cấp huyện hiện nay sẽ được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn cho phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế - xã hội và đặc thù của công tác xét xử.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chánh án TAND TP Hà Nội, có 3 tiêu chí được đưa ra để xây dựng Đề án TAND sơ thẩm khu vực tại Hà Nội gồm: Số lượng các vụ án, số lượng dân cư và quy mô địa giới hành chính. Trong đó, tiêu chí về số lượng các loại án được coi là quan trọng nhất (900 vụ án trở lên tại đô thị và 500 vụ án trở lên tại các huyện đồng bằng). Căn cứ vào các tiêu chí này, theo đó thay cho tòa án 29 quận, huyện, thị xã như hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến thành lập 16 tòa án sơ thẩm khu vực gồm: Hoàn Kiếm; Ba Đình; Đống Đa; Hai Bà Trưng; Hoàng Mai; Từ Liêm; Đông Anh; Thanh Xuân và Hà Đông; Cầu Giấy và Tây Hồ; Gia Lâm và Long Biên; Ba Vì và Sơn Tây; Mê Linh và Sóc Sơn; Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ; Mỹ Đức, Thanh Oai và Ứng Hòa; Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ; Thanh Trì, Phú Xuyên và Thường Tín.

Nhìn một cách tổng quát có thể thấy việc lập tòa án khu vực sẽ khắc phục được những hạn chế trong mô hình tổ chức theo cấp hành chính hiện nay, tránh được sự dàn trải về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí và góp phần tập trung nguồn nhân lực. Qua thực tế công tác xét xử tại Hà Nội những năm qua cho thấy, số lượng án phải xét xử phần lớn tập trung tại các địa bàn đông dân cư như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai với trên 900 vụ/năm. Còn tại một số huyện như Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thanh Trì, Phú Xuyên, số lượng án mà TAND cấp huyện phải giải quyết hiện nay chỉ xấp xỉ trên dưới 200 vụ/năm. Tại các địa bàn có khối lượng xét xử nhiều, có nơi dù số lượng thẩm phán lên đến hơn 30 người nhưng các cán bộ ở đây vẫn ngập trong công việc; còn ở những nơi lượng án ít hơn tuy có 5-6 thẩm phán nhưng địa bàn rộng nên việc làm vẫn không xuể. Vấn đề bất cập ở đây là dù khối lượng công việc "vênh" nhau rất lớn nhưng dù là tòa xử ít hay xử nhiều thì tại mỗi tòa vẫn phải có cả một trụ sở với bộ máy tổ chức đủ các bộ phận kèm theo như kế toán, văn thư, bảo vệ... Điều này gây lãng phí về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí đầu tư cho nhân lực.

Không sáp nhập cơ học

Qua nghiên cứu, xem xét đề án thành lập tòa án sơ thẩm khu vực của các đơn vị, theo nhận định của TAND tối cao có nhiều tỉnh, thành phố mới chỉ sáp nhập một cách cơ học mà chưa tính đến yếu tố tạo thuận lợi cho công tác xét xử và hạn chế tới mức thấp nhất những khó khăn gây ra cho người dân khi tham gia tố tụng. Với phương thức sáp nhập cơ học hai hoặc ba tòa án cấp huyện thành một khu vực, theo đó trụ sở tòa án khu vực được chọn xây dựng ở thủ phủ của một huyện, dẫn tới việc nhiều người dân phải đi đến trụ sở tòa án thuộc thẩm quyền theo địa giới trên 100km, trong khi đó tòa án khu vực khác không thuộc thẩm quyền lại chỉ cách vài ba chục kilômét. Việc đặt trụ sở lệch tâm về mặt địa giới hành chính không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn ảnh hưởng tới chính các hoạt động tố tụng của tòa án trong lấy lời khai người làm chứng, công tác thẩm định tại chỗ, định giá tài sản… Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất nên lấy đơn vị cấp xã làm "tâm" để phân bố các tòa án khu vực. Như vậy, một đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện này nhưng có thể là địa bàn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khu vực có trụ sở tại huyện khác. Phương án này sẽ giúp hạn chế những khó khăn trong đi lại của người dân, thuận hơn cho tòa án trong các hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, sẽ giảm bớt ảnh hưởng về mặt hành chính với địa phương, tòa sẽ độc lập hơn.

Để chủ trương tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử đi vào thực tiễn còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Trong đó việc quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới của các cơ quan tố tụng theo hướng chuẩn hóa về kiến trúc và quy mô bảo đảm sự tôn nghiêm của cơ quan xét xử; nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ tư pháp trong giai đoạn hiện nay cũng là những vấn đề cần được quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để là phép cộng đơn thuần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.