(HNM) - Hôm qua, dư luận mạng xôn xao về công nghệ làm xăng rởm chính là nguyên nhân của các vụ cháy xe xảy ra liên tiếp và bất thường thời gian gần đây.
Theo nguồn tin này thì "công nghệ" chỉ đơn giản là trộn dầu FO với xăng non (được gọi với tên VNK) cho qua máy lọc ly tâm, rồi máy ép ly tâm sẽ được hỗn hợp "xăng" có giá chỉ 12.000 đồng mỗi lít.
Chất VNK giá 260.000 đồng/kg được mua từ Trung Quốc hoặc do cơ sở tư nhân tự chế biến. Nếu xăng này được pha với xăng trên thị trường theo tỷ lệ thể tích nhỏ hơn 20% thì "không sao". Nhưng nếu trên 40% thì sẽ rất nguy hiểm. Vì chất VNK khi kết hợp với lưu huỳnh sẽ cháy mạnh. Trong khi đó, bản thân dầu FO luôn có chứa lưu huỳnh.
Chưa có cơ sở khẳng định giả thuyết trên đây đúng hay không. Nhưng một điều chắc chắn là thông tin này đã được dư luận tiếp nhận khá hào hứng, nó như tiếp tục khẳng định thêm về nghi ngờ của người dân rằng xăng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ xe.
Song, chính sự hào hứng này của dư luận lại càng khiến cho các cơ quan chức năng phải suy nghĩ. Từ đầu tháng 10-2011, hàng loạt vụ cháy xe diễn ra trên diện rộng, từ Bắc vào Nam, không chỉ có xe máy, cả ô tô cũng cháy, đã như đốt nóng dư luận. Trong tâm thế lo lắng, bất an, tự bản thân người dân đã đặt ra rất nhiều giả thuyết, người cho rằng lỗi của nhà sản xuất, người khác lại khẳng định chỉ là tai nạn, thậm chí có người kết luận đó là chiêu cạnh tranh giữa các hãng xe. Nhưng nổi lên nhất có lẽ là nghi ngờ thủ phạm do xăng dầu.
Đáng tiếc là khi dư luận còn rất hoang mang như vậy, ai cũng mong sớm có kết luận chính thức nguyên nhân để chủ động phòng ngừa thiệt hại về sinh mạng và tài sản, thì phản ứng của các cơ quan hữu quan lại rất chậm, nếu không muốn nói là quá thờ ơ. Dường như không có cơ quan nào thực sự vào cuộc truy tìm nguyên nhân. Mãi đến ngày 23-12, Bộ Công an mới đưa ra một số nguyên nhân cháy nổ xe máy, ô tô thời gian qua. Nhưng bản kết luận này đã không gây được sự chú ý nào từ dư luận, bởi đơn giản là nó rõ ràng chỉ là kết luận "cho có". Bộ đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân, nhưng tất cả đều rất chung chung, không đủ thuyết phục. Đại loại như do sự cố chập điện hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa, một số do tai nạn giao thông... Thực ra tất cả những nguyên nhân này trước đó đều đã được người dân tự suy đoán rồi... chẳng cần phải thực hiện các biện pháp điều tra, nghiệp vụ.
Vấn đề ở đây chính là chuyện trách nhiệm của cơ quan hữu quan. Lẽ ra, sau những bất thường (xảy ra hàng loạt) thì các cơ quan quản lý, nghiên cứu phải vào cuộc ngay. Đằng này, người dân dễ dàng cảm nhận được sự đùn đẩy trách nhiệm điều tra, xử lý giữa các cơ quan liên quan. Cơ quan phòng cháy chữa cháy nói không có thẩm quyền điều tra, còn cơ quan điều tra hay giám định lại không có nghĩa vụ phải có mặt tại hiện trường. Bên đăng kiểm chờ kết luận từ công an, còn nhà sản xuất thì khẳng định sản phẩm của mình tốt. Ngay cả Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng im hơi lặng tiếng suốt một thời gian dài, vừa rồi mới có văn bản đề nghị làm rõ các vụ cháy xe.
Hàng loạt vụ cháy xe đã đốt nóng dư luận, giờ đây có thêm những giả thuyết mới, cũng mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có kết luận chính thức, cụ thể cho người dân an tâm. Tránh để xe đã cháy, còn cháy thêm cả niềm tin...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.