Cách đây gần 30 năm, khi tôi đang là học sinh lớp 11 của một trường trung học phổ thông ở ngoại thành Hà Nội, tập thể lớp tôi có một quyết định “tày trời”. Đó là đề nghị cô giáo chủ nhiệm kiến nghị nhà trường thay thầy giáo dạy môn toán với lý do “dạy khó hiểu”.
Cô giáo chủ nhiệm đã phải vận động, thuyết phục tới lần thứ 3 rằng thầy là giáo viên nhiều kinh nghiệm và chỉ còn một vài năm nữa sẽ nghỉ hưu thì đám học sinh “cứng đầu” chúng tôi mới chấp nhận.
Sau sự vụ này, đám học sinh đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cảm nhận rõ thầy giáo dạy toán cũng có thay đổi trong cách truyền đạt nhưng cũng trầm hơn, ít cười hơn. Điều đó cũng khiến chúng tôi ân hận với cách ứng xử có phần thái quá của mình. Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và cạnh tranh vào đại học, nên phần lớn học sinh ngoại thành lớp tôi khi đó đều mỗi tuần vài buổi đạp xe đến các “lò luyện thi” bên nội thành để học thêm. Được tiếp cận môi trường giáo dục khác, phương pháp khác, cởi mở, dễ hiểu hơn, nên có tâm lý so sánh, đòi hỏi!
Dù buồn, nhưng thầy giáo già bao dung, độ lượng, đáng kính của chúng tôi đã không chấp nhặt đám trẻ háo thắng, tiếp tục lặng lẽ công việc, không trách mắng, trù úm bất cứ một học sinh nào. Mỗi lần gặp lại nhau sau khi ra trường, ôn lại kỷ niệm cũ, chúng tôi bảo nhau: Chúng ta thật may mắn có một người thầy tốt, có nhân cách tốt! Sự bao dung, độ lượng, đức hạnh của thầy đã ảnh hưởng và góp phần hình thành nhân cách của mỗi chúng tôi.
Gần đây, trên mạng xã hội và báo chí rất “nóng” với những câu chuyện, hình ảnh phản cảm về cách ứng xử của giáo viên với học sinh phổ thông trung học cũng ở ngoại thành. Đó là vụ việc một nữ sinh trung học phổ thông ở huyện Sóc Sơn bị cô giáo túm cổ, kéo lê trước cửa lớp vì mua bánh không đúng yêu cầu. Với hành vi không chuẩn mực sư phạm này, cô giáo đã bị đình chỉ công tác. Một vụ việc khác là một nam sinh trung học phổ thông ở huyện Thạch Thất bị thầy giáo chỉ tay vào mặt, xưng hô không đúng mực, thậm chí xúc phạm. Với hành vi này, thầy giáo cũng đã bị đình chỉ công tác.
Chưa rõ sâu xa bản chất vấn đề thế nào, nhưng rõ ràng cách xử sự của hai giáo viên nói trên là chưa đúng, có tác động tiêu cực đến tâm lý, học hành và sự phát triển nhân cách của học sinh.
Cuộc sống hiện tại có rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực kinh tế, “cơm áo, gạo tiền” luôn đè nặng lên vai những giáo viên. Và đôi khi, áp lực đó có thể khiến một vài thầy, cô giáo không kiềm chế được cảm xúc, dẫn đến hành động bột phát. Vì thế, bên cạnh xử lý nghiêm minh, cũng cần sự cảm thông, chia sẻ để hướng tới điều tốt đẹp hơn trong tương lai như cách ứng xử đầy bao dung, độ lượng của thầy giáo đã dành cho chúng tôi trong câu chuyện cách đây gần 30 năm. Sai đến đâu, xử lý đến đó, quan trọng là cùng nhau nhìn rõ vấn đề để cùng tiếp bước, tiến bộ. Đặc biệt, trên mạng xã hội, cần tránh những bình luận đẩy vấn đề đi quá xa, tạo hố ngăn cách thầy trò, gây ra dư luận không tốt về một nghề cao quý chỉ qua một vài hiện tượng cá biệt.
Người Việt xưa nay có câu: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Hãy có cái nhìn bao dung, độ lượng nếu họ “biết sai, nhận sai và sửa sai” thay vì hằn học, chì chiết. Đó cũng là cách giáo dục, hình thành nhân cách tốt cho con em chúng ta!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.