Từ khi còn bé, tôi đã biết mình có một gia đình không yên ấm. Một đứa trẻ dưới mười tuổi như tôi thì chưa thể tự cắt nghĩa được tại sao khi sang nhà bạn chơi, thấy bố mẹ và anh em họ nói cười vui vẻ, còn ở nhà tôi thì không được như thế, kể cả trong bữa cơm.
Và, khi cùng nhau chơi đùa trong khu tập thể mà hầu như mọi nhà đều biết nhau, trong khi các bạn được mọi người dành cho nụ cười và lời hỏi thăm thì tôi lại nhận được những ánh mắt ái ngại.
Vì sao lại thế? Mãi tới khi học lớp 9 tôi mới rõ ngọn ngành. Buổi tối hôm ấy, chẳng nhớ nổi nguyên nhân nhưng tôi nhớ rõ bố mẹ đã cãi nhau một trận lớn nhất mà tôi từng biết. Vài tiếng sau, căn nhà tan hoang, những mảnh kính vỡ, đồ đạc văng tung tóe. Đứa trẻ vốn ngu ngơ là tôi lúc ấy thấy nước mắt mình không ngăn được ai, chỉ còn biết chạy sang nhà hàng xóm bấm số điện thoại duy nhất mà tôi nhớ, gọi cho cô Hà đến ngay.
Lúc cô đến thì bố xách xe đi rồi, chỉ còn mẹ đã kiệt sức vì phải chịu quá nhiều uất ức suốt mười mấy năm. Còn tôi vẫn chưa hết bàng hoàng vì ngôi nhà vốn không đủ ấm áp giờ đã tan hoang.
Hồi ấy tôi học thêm ở nhà cô Hà. Chị Dương, con gái cô dạy tôi toán, hóa, tiếng Anh; chú Đạt, chồng cô thì dạy tôi môn lý. Hôm sau trận cãi vã của bố mẹ, tôi nói với cô Hà: "Nhờ cô nói với chị Dương là mai cháu không đi học được...". Là người khác, sẽ đáp lại thế nào? Kể cả là tôi bây giờ, nếu chỉ cần mềm lòng một chút thôi, sẽ gật đầu thương cảm. Nhưng, lúc ấy, tôi đã không nhận được cái gật đầu "thông cảm". Cô cúi xuống, nắm đôi vai đang run của tôi rất chặt, rành rọt từng tiếng một: "Không được! Con phải đi học! Không được để chuyện này ảnh hưởng đến học hành!".
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được câu nói đó. Câu nói đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Trước ngày ấy, tôi ôm mặc cảm rằng cuộc đời mình "xuất phát thấp" như vậy, rồi sẽ tầm thường lắm. Tôi mặc cảm khi thấy gia đình các bạn hạnh phúc. Tôi mặc cảm khi thấy người ta mua sắm này nọ, còn nhà mình cứ bán dần đi. Tôi buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh. Nhưng hôm ấy, khi đạp những vòng xe nặng trịch đến nhà cô, vẫn học tốt và thậm chí được chị Dương khen thì tôi đã hiểu rằng một đứa trẻ cũng có thể làm được điều gì đó ý nghĩa thay vì nhụt chí.
Và tôi dần thay đổi. Tôi không dễ dãi với bản thân, càng không đòi hỏi ai ưu ái với mình. Mỗi lúc gặp trở ngại, tôi lại nghe văng vẳng lời cô Hà đã dạy năm nào. Không được buồn vì bất hạnh của mình. Con đã sinh ra trên đời, con phải tự tìm cho mình con đường hạnh phúc. Và con đường ấy chỉ mở ra khi con dám thay đổi cách nghĩ, dám đứng dậy, dám đương đầu, có phải không cô?
Như thế đấy. Cô Hà đã giúp nhà tôi rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng trong lòng tôi, cô đáng kính trọng nhất không chỉ vì những điều tốt đó. Tôi cảm ơn cô suốt cuộc đời này vì cô đã dạy tôi cách tự đứng dậy sau nỗi đau.
Thế nên, nếu ai đó còn đang khóc, thì hãy khóc tiếp đi. Nhưng khóc xong rồi nhất định phải đứng lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.